Xe máy gây tai nạn, người ngồi sau bị xử phạt như thế nào?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 202 Bộ Luật hình sự quy định về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ:
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Theo quy định trên thì chỉ có người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm mới bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự và phải bồi thường theo quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự 2005 còn người ngồi đằng sau không trực tiếp điều khiện phương tiện thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, do đã sử dụng rượu khi điều khiển phương tiện và không đội mũ bảo hiểm nên người điều khiển phương tiện giao thông có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Đối với người ngồi đằng sau: Do không trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông nên người này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự như đã khẳng định bên trên. Tuy nhiên, nếu như người ngồi đằng sau là chủ của phương tiện đã gây ra tai nạn thì vấn đề bồi thường sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự về Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Theo đó, người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn có thể thỏa thuận về việc liên đới cùng chủ sở hữu chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
Nếu như có bằng chứng về việc chủ sử dụng phương tiện giao thông đã giao phương tiện cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì chủ sử dụng phương tiện giao thông hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm bồi thường khi người đang chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông gây tai nạn.
Đồng thời nếu như người ngồi đằng sau là chủ phương tiện giao thông mà việc giao cho người đằng trước điều khiển phương tiện mà người đằng trước không đủ tuổi theo quy định hoặc không có giấy phép lái xe phù hợp thì người ngồi đằng sau cũng có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 30 Nghị định 171/2013 NĐ-CP đó là Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?