Làm gì khi bị giang hồ cho vay nặng lãi đe dọa?

Tôi có vay của một người chuyên cho vay nặng lãi 100 triệu đồng, cứ mỗi tháng tôi phải trả 5 triệu đồng tiền lãi. Nếu không trả lãi được thì người cho vay cộng thêm tiền lãi vào tiền gốc và buộc tôi phải trả lãi thêm trên tiền gốc. Vì vậy, làm được đồng nào tôi phải góp trả nợ hết mà không đủ. Nay, người cho vay đe dọa, ép buộc tôi phải trả nợ nếu không sẽ đánh đập, rạch mặt làm cho tôi vô cùng sợ hãi. Xin hỏi, việc cho vay nợ và đe dọa của bên vay như vậy có đúng luật không? Tôi phải làm gì để bảo vệ mình?

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật TRẦN THỊ HẬU - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến như sau:

Bộ luật Dân sự 2005 tại Khoản 1 Điều 476 quy định về lãi suất của hợp đồng vay tài sản như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Điều 1 Quyết định 2868/QĐ-NHNN, ngày 29/11/2010 quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm. Do đó, mức lãi suất cao nhất mà các bên có thể áp dụng trong hợp đồng vay là 13,5%/năm (9%/năm x 150% = 13,5%). Trong trường hợp này, anh/chị vay khoản tiền 100 triệu đồng với tiền lãi là 5 triệu đồng/tháng; tức lãi suất là 5%/tháng và 60%/năm (5%/tháng x 12 tháng = 60%/năm). Việc thỏa thuận mức lãi suất 60%/năm đã vượt quá mức pháp luật cho phép là 13,5%/năm nên pháp luật không thừa nhận phần vượt quá này. Anh/chị có thể khởi kiện ra Tòa dân sự về vấn đề này để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Đồng thời, với việc cho vay như vậy, dù chưa đủ yếu tố cấu thành Tội cho vay nặng lãi theo Điều 163 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) nhưng, hành vi uy hiếp tinh thần, đe dọa dùng vũ lực của người cho vay để ép buộc, đòi tiền anh/chị tùy từng trường hợp, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người cho vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù từ 1 năm đến 20 năm, có thể phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Với những căn cứ pháp luật mà chúng tôi đã viện dẫn, trong trường hợp này, trước hết anh/chị có thể tố cáo hành vi của người cho vay đến Cơ quan Công an nơi mình cư trú, cung cấp các bằng chứng để cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự người cho vay, đồng thời có thể khởi kiện ra Tòa án dân sự để xem xét lại lãi suất vay để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

HUY LÂM

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
1,791 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào