Những dấu hiệu nhận biết bán hàng đa cấp bất chính?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Hoạt động bán hàng đa cấp bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 1998 - 2000, sau một thời gian phát triển mạnh hoạt động đã có nhiều diễn biến phức tạp, đã xuất hiện dấu hiệu biến tướng thành hoạt động bán hàng đa cấp bất chính. Để có thể phân biệt được đâu là hoạt động bán hàng đa cấp (chân chính) và đâu là biến tướng của mô hình tháp ảo hay mô hình kim tự tháp (Pyramid Selling) mà Luật Cạnh tranh năm 2004 của Việt Nam gọi là hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.
Theo đó, bán hàng đa cấp được hiểu là một phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Việc tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau;
- Hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia;
- Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.
Doanh nghiệp bị cấm thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp:
- Thứ nhất, yêu cầu người muốn tham gia mạng phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Thứ hai, không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;
- Thứ ba, cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Thứ tư, cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.
Ngoài những quy định của Luật cạnh tranh vừa trích dẫn ở trên thì hoạt động kinh doanh đa cấp còn được điều chỉnh bởi Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/05/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp được quy định rất rõ tại điều 5 của nghị định này, cụ thể:
“1. Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
b) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
c) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình;
d) Hạn chế một cách bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp dưới bất kỳ hình thức nào;…” v.v…
Từ những căn cứ pháp luật nêu trên có thể thấy các dấu hiệu cơ bản để nhận biết hành vi bán hàng đa cấp bất chính, bao gồm:
1. Người bán hàng thường yêu cầu người tham gia đặt cọc và phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc trả tiền để tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp bán hàng đa cấp;
2. Không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không cam kết mua lại với giá tối thiểu 90% mức đã bán;
3. Cho hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới;
4. Thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác bán hàng đa cấp;
5. Lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia;
6. Khuyến khích, dạy người khác tuyển người bằng việc hứa trả tiền thưởng;
7. Không quan tâm tới hàng hóa, hàng hóa chỉ để tượng trưng, không có giá trị sử dụng và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường;
8. Buộc và hối thúc người tham gia mua hàng mặc dù biết không bán được hàng gây rối người tiêu dùng.
Như vậy, các quy định trên cho thấy, việc kinh doanh, bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh được pháp luật cho phép và phải tuân theo các quy định pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định các điều khoản cấm đối với trường hợp bán hàng đa cấp, nếu vi phạm các điều cấm này thì hành vi bán hàng đa cấp đó là hành vi bán hàng đa cấp bất chính.
Khi có hành vi vi phạm về bán hàng đa cấp bất chính thì cá nhân, doanh nghiệp vi phạm phải chịu xử phạt theo quy định pháp luật.
Trường hợp của bạn, bạn cần căn cứ vào các nội dung, thông tin chúng tôi cung cấp tại quy định trên để tự xác minh, tìm hiểu xem công ty đó có phải công ty bán hàng đa cấp hay không.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo thành tích cá nhân của Phó hiệu trưởng mới nhất năm 2024?
- Hướng dẫn xóa thí sinh khỏi danh sách Vòng 6 Trạng Nguyên Tiếng Việt tại quantri.trangnguyen.edu.vn?
- Tháng 10 âm lịch 2024 kết thúc vào ngày nào? Tháng 10 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 10 âm lịch năm 2024 có sự kiện gì?
- Cách viết trách nhiệm của cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể trong bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2024?
- Giám đốc BHXH cấp tỉnh có quyền xử phạt hành vi cho mượn thẻ bảo hiểm y tế không?