Thủ tục kinh doanh dịch vụ homestay như thế nào?

Tôi sống ở TP.HCM, hiện nay tôi muốn kinh doanh dịch vụ homestay ở TP. Đà Nẵng, tôi muốn được biết điều kiện và thủ tục để kinh doanh dịch vụ này là như thế nào?

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật CHÂU VIỆT VƯƠNG - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến như sau:

Kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê hay còn gọi là homestay là một trong những loại hình kinh doanh lưu trú du lịch được Điều chỉnh bởi Mục 4, Chương 6 Luật Du lịch 2005 và được hướng dẫn tại Điều 17, Nghị định số 92/2007/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều của Luật Du lịch.

Tại Khoản 1.7 Mục 1 Phần II của Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL có hiệu lực ngày 30/01/2009 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP có quy định về tiêu chí phân loại, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch như sau: ”Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) là nơi sinh sống của người sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp trong thời gian cho thuê lưu trú du lịch, có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú, có thể có dịch vụ khác theo khả năng đáp ứng của chủ nhà.”

Tại Điều 64 Luật Du lịch năm 2005 quy định về điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch, theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Các điều kiện chung bao gồm:

a) Có đăng ký kinh doanh lưu trú du lịch;

b) Có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật đối với cơ sở lưu trú du lịch;

2. Các điều kiện cụ thể bao gồm:

a) Đối với khách sạn, làng du lịch phải bảo đảm yêu cầu tối thiểu về xây dựng, trang thiết bị, dịch vụ, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của người quản lý và nhân viên phục vụ theo tiêu chuẩn xếp hạng tương ứng đối với mỗi loại, hạng;

b) Đối với biệt thự du lịch và căn hộ du lịch phải bảo đảm yêu cầu tối thiểu về trang thiết bị và mức độ phục vụ theo tiêu chuẩn xếp hạng tương ứng đối với mỗi loại, hạng;

c) Đối với bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, cơ sở lưu trú du lịch khác phải bảo đảm trang thiết bị tối thiểu đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch.

Như vậy, điều kiện để kinh doanh dịch vụ Homestay, tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch cần phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú; Có biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật; Phải đảm bảo trang thiết bị tối thiểu đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch. Tiêu chuẩn kinh doanh dịch vụ lưu trú tiêu chuẩn quốc gia được quy định TCVN 7800:2009 về tiêu chuẩn nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Cụ thể như sau:

Yêu cầu của Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay)

- Yêu cầu chung: Dễ tiếp cận, thuận tiện; Đảm bảo an ninh, an toàn; Xây dựng vững chắc; Thông thoáng, ánh sáng và chiếu sáng tốt; Có bảng tên đặt ở nơi dễ thấy.

- Diện tích phòng ngủ, phòng vệ sinh và phòng tắm:

+ Phòng một giường đơn 8 m2.

+ Phòng hai giường đơn hoặc một giường đôi 10m2, tăng 4 m2 cho mỗi giường thêm.

+ Phòng vệ sinh và tắm chung 3 m2.

- Trang thiết bị, tiện nghi.

+ Phòng ngủ: Trang thiết bị chất lượng khá, hoạt động tốt; Bài trí hợp lý; Thông gió tốt; Đèn điện, công tắc bố trí thuận tiện; Quạt điện; Cửa có chốt an toàn bên trong; Giường hoặc đệm ngủ có kích thước tối thiểu 0,9 m x 2 m cho một người; 1,5 m x 2 m cho hai người; Đệm dày 10 cm, có ga bọc, chất lượng tốt; Chăn có ga bọc, gối có vỏ bọc; Bình nước uống và một cốc thủy tinh cho mỗi khách; Móc hoặc giá treo quần áo; Lưới chống muỗi hoặc màn; Thùng rác có nắp; Vật dụng cho một khách gồm: khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, dầu gội đầu, xà phòng.

- Phòng vệ sinh và tắm chung: Bình quân năm khách có một phòng vệ sinh và tắm chung; Trang thiết bị chất lượng khá, hoạt động tốt; Tường ốp gạch men 2 m; Sàn lát bằng vật liệu chống trơn; Quạt thông gió; Đèn điện; Ổ cắm điện an toàn; Chậu rửa mặt và gương soi, vòi nước, nước nóng, xà phòng; Vòi hoa sen; Móc treo quần áo hoặc khăn các loại; Bàn cầu, giấy vệ sinh; Thùng rác có nắp.

- Dịch vụ và mức độ phục vụ

+ Dịch vụ: Bảng niêm yết giá buồng, giá dịch vụ (nếu có); Bảng niêm yết nội quy; Có tủ nhiều ngăn cho khách sử dụng, mỗi ngăn một chìa khóa; Cung cấp thông tin cần thiết cho khách.

+ Mức độ phục vụ: Thay ga bọc đệm, bọc chăn, vỏ gối ba ngày một lần hoặc khi có khách mới; Cung cấp đủ nước sạch 24/24h.

- Người quản lý và nhân viên phục vụ: Người quản lý phải qua lớp tập huấn về quản lý lưu trú du lịch, an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Nhân viên phục vụ phải qua lớp tập huấn nghiệp vụ trừ trường hợp có bằng cấp, chứng chỉ do cơ quan đào tạo có thẩm quyền cấp; Khuyến khích biết ngoại ngữ.

- Bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm

- Thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo qui định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền.

- Phương pháp đánh giá (xem Phụ lục A)

+ Nguyên tắc đánh giá: Các tiêu chí qui định đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, trong biểu điểm đều phải được chấm điểm như sau: Chấm điểm 0 đối với tiêu chí không có hoặc không đạt yêu cầu; Chấm điểm 1 đối với tiêu chí đạt yêu cầu.

- Tổng điểm tối thiểu: Cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê khi 95% các tiêu chí trong tổng số các tiêu chí yêu cầu đạt 1 điểm, tức là đạt 53 điểm.

Căn cứ theo Điều 65, Luật Du lịch có quy định trong thời hạn ba tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, các cơ sở lưu trú du lịch phải gửi một bộ hồ sơ đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sở tại để thẩm định, xếp hạng hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, xếp hạng cho cơ sở lưu trú. Đối với hồ sơ đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch từ 3 sao trở lên hoặc hạng cao cấp, trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Tổng cục Du lịch một bộ.

Về Hồ sơ đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch được hướng dẫn tại Mục III, Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL gồm: Đơn đề nghị xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL; Biểu đánh giá chất lượng cơ sở lưu trú du lịch quy định trong Tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng các loại cơ sở lưu trú du lịch; Danh sách người quản lý và nhân viên phục vụ trong cơ sở lưu trú du lịch quy định tại Phụ lục 2 tại Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL; Bản sao có giá trị pháp lý: Đăng ký kinh doanh của cơ sở lưu trú du lịch, quyết định thành lập doanh nghiệp (nếu có); Văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ và thời gian làm việc trong lĩnh vực du lịch đối với người quản lý; Giấy cam kết hoặc giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và an toàn xã hội; Giấy xác nhận đủ điều kiện về phòng chống cháy nổ; Xác nhận báo cáo tác động môi trường hoặc xác nhận cam kết bảo vệ môi trường của cấp có thẩm quyền; Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (đối với cơ sở lưu trú du lịch có cung cấp dịch vụ ăn uống); Biên lai nộp lệ phí thẩm định cơ sở lưu trú du lịch theo quy định hiện hành.

 - Hồ sơ đăng ký hạng từ 1 đến 5 sao hoặc hạng cao cấp, ngoài các giấy tờ quy định trên cần cung cấp thêm bản sao có giá trị pháp lý văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của trưởng các bộ phận lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, bảo vệ.

- Thời hạn xếp hạng: Trong thời hạn một tháng đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền xếp hạng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và hai tháng đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền xếp hạng của Tổng cục Du lịch kể từ ngày nhận hồ sơ, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch có trách nhiệm tổ chức thẩm định, xem xét, ra quyết định công nhận hạng theo thẩm quyền; Trên cơ sở kết quả thẩm định của Tổ thẩm định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch xem xét, ra quyết định công nhận hạng phù hợp cho cơ sở lưu trú du lịch theo thẩm quyền. Trường hợp không ra quyết định công nhận hạng phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do; Ít nhất ba tháng trước khi hết thời hạn theo quyết định công nhận hạng, cơ sở lưu trú du lịch phải gửi hồ sơ đăng ký lại hạng đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ và thủ tục đề nghị thẩm định, xếp hạng lại như thẩm định, xếp hạng lần đầu.

Vậy, bạn muốn kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay thì cần thực hiện theo những điều kiện và thủ tục như trên để đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

HUY LÂM

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
775 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào