Hợp đồng dài hạn có được nâng lương thường xuyên?

Tôi là giáo viên của một trường công lập theo diện hợp đồng dài hạn, được xếp lương theo Nghị định số: 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ, hệ số 2,10. Tuy nhiên sau gần 4 năm trực tiếp giảng dạy tôi vẫn chưa được nâng lương. Vậy trường hợp của tôi có được nâng lương thường xuyên hay không? Để được lương cần có điều kiện gì? - Trương Lệ Thủy (truonglethuy***@gmail.com).

* Trả lời:

Theo Điểm c, Khoản 1 Điều 1 Thông tư số: 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng lương thường xuyên và nâng lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người người lao động quy định: Những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành của pháp luật.

Như vậy căn cứ vào hướng dẫn trên và theo thư bạn viết, bạn là giáo viên hợp đồng dài hạn được xếp lương theo Nghị định số: 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó bạn thuộc đối tượng được nâng lương thường xuyên theo quy định hiện hành.

Theo quy định thời gian nâng lương thường xuyên của giáo viên có trình độ cao đẳng và đại học là 3 năm (đủ 36 tháng).

Tuy nhiên, trong một số trường hợp phải kéo dài thời gian xét nâng bậc lương đó là: Giáo viên có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là không hoàn thành nhiệm vụ công tác được giao hàng năm; hoặc là giáo viên bị kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bị bãi nhiệm). Mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật, bị kéo dài thêm 12 tháng. Nếu trong một năm công tác vừa không hoàn thành nhiệm vụ vừa bị kỷ luật, thì cũng chỉ bị kéo dài thêm 12 tháng.

Như vậy, nếu bạn luôn hoàn thành nhiệm vụ và đảm bảo đầy đủ các điều kiện cần thiết thì với gần 4 năm công tác chắc chắn bạn được nâng bậc lương. Trong trường hợp bạn không được giải quyết, bạn có thể kiến nghị với phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Nội vụ của huyện đó để được giải đáp chính đáng.

Về điều kiện thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên

Theo Điểm a, Khoản 1 Điều 2 Thông tư trên hướng dẫn: Đối với chức danh chuyên gia cao cấp: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng một bậc lương;

- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương;

- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

Sỹ Điền

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
219 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào