Con dâu có quyền kiện đòi đất của mẹ chồng đã cho các con ruột?
Về câu hỏi của ông Khổng Tiến Thưởng, Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
PV: Luật sư cho biết theo quy định của pháp luật thì con dâu có được hưởng thừa kế của bố mẹ chồng không?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định của pháp luật hiện hành việc hưởng thừa kế có thể theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.
Theo Điều 646 Bộ luật Dân sự quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.
Như vậy, người được hưởng thừa kế theo di chúc khi người chết có di chúc và để lại di chúc đó hợp pháp, người có tên trong di chúc có đủ điều kiện nhận di sản thừa kế theo di chúc và họ không từ chối nhận di sản đó. Theo đó, con dâu cũng có thể được hưởng thừa kế của bố mẹ chồng theo di chúc.
Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp: người chết không để lại di chúc hoặc có để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản (Điều 675 Bộ luật Dân sự).
Điều 674 Bộ luật dân sự quy định thừa kế theo pháp luật: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự thì những người được hưởng thừa kế theo pháp luật gồm:
“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”.
PV: Vậy nếu như bà Bằng được mẹ chồng tặng cho quyền sử dụng đất thì sẽ như thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định của pháp luật thì tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho. Việc tặng cho tài sản phải đáp ứng các yêu cầu: chủ thể tặng cho phải có đủ năng lực hành vi dân sự, đối tượng tặng cho phải là tài sản hợp pháp của người tặng cho. Ngoài ra, pháp luật quy định việc tặng cho bất động sản còn phải lập thành văn bản có công chức, chứng thực hoặc phải đăng kí. Như vậy, giả sử mẹ chồng bà Bằng tặng cho bà Bằng quyền sử dụng đất thì mẹ chồng bà Bằng phải có năng lực hành vi dân sự; phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất là hợp pháp và việc tặng cho phải được lập thành văn bản.
Theo thông tin mà ông Thưởng cung cấp thì khi bố mẹ vợ của ông còn sống, diện tích đất này chưa có GCN QSD đất hay bất kì giấy tờ nào. Hơn nữa, bà Bằng cũng không cung cấp được giấy tờ chứng minh việc được mẹ chồng cho đất. Do đó việc tặng cho là không có cơ sở.
PV: Theo Luật sư việc bà Bằng khởi kiện đòi đất như vậy là đúng hay không?
Luật Sư Đặng Văn Cường: Việc các anh, chị, em vợ của ông sử dụng diện tích đất được cha mẹ phân chia một cách ổn định, liên tục, không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật. Nếu năm 2004 chính quyền địa phương xác định gia đình ông sử dụng đất ổn định trước 15/10/1993 có đóng thuế cho nhà nước, không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch thì việc cấp giấy chứng nhận cho gia đình ông là đúng pháp luật căn cứ vào quy định tại khoản 4, Điều 50 Luật đất đai năm 2003 và hướng dẫn tại Điều 3, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP.
Nếu hiện nay bố mẹ vợ ông còn sống và có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 luật đất đai năm 2013 và có căn cứ chứng minh việc tặng cho năm 1983 là không hợp lệ thì mới có thể đòi lại được đất của các con. Theo thông tin ông nêu ở trên thì bố mẹ vợ ông đều đã qua đời từ trước những năm 2000. Vì vậy, đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện tranh chấp về thừa kế đối với di sản do bố mẹ vợ ông để lại. Do vậy, nếu vợ chồng ông có quản lý nhà đất của bố mẹ vợ ông để lại chưa chia thì các thừa kế khác cũng không thể khởi kiện để yêu cầu chia thừa kế được.
Đối với bà Bằng - con dâu của bố mẹ vợ ông khởi kiện đòi lại tài sản của bố mẹ vợ ông để lại là không có căn cứ bởi: theo thông tin mà ông cung cấp thì bố mẹ ông mất không để lại di chúc. Theo như đã nói ở trên thì con dâu không thuộc diện, hàng thừa kế nào của bố mẹ chồng, do vậy bà Bằng không thể lấy tư cách là người thừa kế để đòi đất được.
Nếu là tranh chấp về quyền sử dụng đất thì bà Bằng phải có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đối với thửa đất đang tranh chấp và có chứng cứ chứng minh việc gia đình ông Thưởng và các anh chị em khác sử dụng đất không hợp pháp thì mới có thể đòi lại được các thửa đất nó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- vnEdu.vn đăng nhập tra điểm nhanh nhất 2024 dành cho phụ huynh và học sinh?
- Xếp hạng 6 di tích quốc gia đặc biệt đợt 16 năm 2024?
- Tháng 11 âm lịch là tháng mấy dương lịch 2024? Xem lịch âm Tháng 11 2024 chi tiết?
- Mẫu Bản thuyết minh Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp hoạt động liên tục mới nhất 2024?
- Nội dung công việc thực hiện công tác địa chất đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025?