Tham gia BHXH bắt buộc được hưởng những quyền lợi gì?

Con tôi đóng BHXH từ tháng 8/2014 tại công ty cổ phần áp dụng ở Vùng II thì mức đóng là bao nhiêu và được hưởng quyền lợi gì sau này?

Công ty Luật Cương Lĩnh xin trả lời câu hỏi như sau:

Đối với BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc:

Mức đóng BHXH từ ngày 1-1-2014 trở đi bằng 26% mức tiền lương, tiền công tháng (tăng 2% so với năm 2013), trong đó người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 18%.

- Mức đóng BHYT từ ngày 1-1-2014 bằng 4,5% mức tiền lương, tiền công tháng, trong đó người lao động đóng 1,5%, người sử dụng lao động đóng 3%.

- Mức đóng BHTN từ ngày 1-1-2014 trở đi bằng 2% mức tiền lương, tiền công tháng, trong đó người lao động đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1%.

Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng quyền lợi theo các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất (người lao động thuộc lực lượng vũ trang có quy định riêng). Các chế độ cụ thể:

I. Chế độ ốm đau:

1. Điều kiện hưởng:

Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp ốm đau khi:

- Bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế (trừ trường hợp tự hủy hoại sức khỏe do say ruợu hoặc sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác);

- Có con dưới 7 tuổi bị ốm đau, phải nghỉ việc để chăm sóc và có xác nhận của cơ sở y tế.

2. Quyền lợi được hưởng:

2.1. Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau: Người lao động được hưởng trợ cấp ốm đau do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả cho thời gian nghỉ (không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần) như sau:

- Làm việc trong điều kiện bình thường thì được nghỉ tối đa 30 ngày một năm nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày một năm nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày một năm nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên.

- Làm công việc nặng nhọc, độc hại, hoặc làm việc ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực 0,7 trở lên thì được nghỉ tối đa 40 ngày một năm nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày một năm nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày một năm nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên.

- Trường hợp con ốm: Người lao động nghỉ việc để chăm sóc con ốm thì được hưởng trợ cấp ốm đau với thời gian nghỉ tối đa 20 ngày một năm nếu con dưới 3 tuổi; 15 ngày một năm nếu con đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội, nếu một người đã nghỉ hết thời hạn quy định mà con vẫn ốm đau thì người kia được nghỉ tiếp theo quy định trên.

- Trường hợp mắc bệnh cần chữa trị dài ngày: Người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục cần chữa trị dài ngày, được nghỉ tối đa 180 ngày một năm; hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức hưởng thấp hơn (thời gian nghỉ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần).

2.2. Mức hưởng

- Đối với ốm đau bình thường và chăm sóc con ốm: Mức trợ cấp được xác định bằng cách lấy 75% mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc chia cho 26 ngày, sau đó nhân với số ngày thực tế nghỉ việc trong khoảng thời gian được nghỉ theo quy định;

- Đối với bệnh cần chữa trị dài ngày: Trong 180 ngày đầu của một năm, mức hưởng bằng 75% mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Sau 180 ngày nếu tiếp tục còn điều trị thì mức hưởng bằng 45% mức tiền lương, tiền công nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; bằng 55% mức tiền lương, tiền công nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; bằng 65% mức tiền lương, tiền công nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên.

2.3. Nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe: Người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 đến 10 ngày một năm tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe; mức hưởng cho một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại gia đình và bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.

II. Chế độ thai sản:

1. Điều kiện hưởng:

Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Lao động nữ mang thai;

- Lao động nữ sinh con;

- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi;

- Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.

Đối với lao động nữ sinh con và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước

khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

2. Quyền lợi được hưởng:

2.1. Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản: Người lao động được nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả cho thời gian nghỉ (kể cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần) như sau:

- Sinh con được nghỉ 4 tháng nếu làm việc ở điều kiện bình thường; 5 tháng nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kể cả lao động làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc theo chế độ 3 ca, làm việc từ đủ 6 tháng trở lên ở nơi có phụ cấp khu vực 0,7 trở lên trong thời gian 12 hai tháng trước khi sinh con; 6 tháng đối với lao động nữ là người tàn tật. Trường hợp sinh đôi trở lên, ngoài thời gian nghỉ nêu trên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con được nghỉ thêm 30 ngày;

- Sau khi sinh, nếu con dưới 60 ngày tuổi chết thì mẹ được nghỉ việc 90 ngày kể từ ngày sinh con; nếu con từ 60 ngày tuổi trở lên chết thì mẹ được nghỉ 30 ngày kể từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian được nghỉ khi sinh con theo quy định;

- Đối với trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết:

+ Nếu cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội hoặc chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội, thì cha nghỉ việc chăm sóc con được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi;

+ Nếu chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội, thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi;

- Nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi được nghỉ hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi;

- Khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu thì lao động nữ được nghỉ hưởng chế độ thai sản 10 ngày nếu thai dưới 1 tháng; 20 ngày nếu thai từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; 40 ngày nếu thai từ 3 tháng đến dưới 6 tháng; 50 ngày nếu thai từ 6 tháng trở lên;

- Khi đặt vòng tránh thai được nghỉ 7 ngày và khi thực hiện biện pháp triệt sản được nghỉ 15 ngày;

- Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai; thời gian nghỉ khám thai không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

2.2. Mức hưởng: Bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

 2.3. Quyền lợi khác:

- Trợ cấp một lần: Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi, thì được trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con; trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết khi sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.

- Nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe: Lao động nữ sau thời gian nghỉ hưởng chế độ do sinh con, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 đến 10 ngày một năm tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe; mức hưởng cho một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại gia đình và bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.

- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản  được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

III. Chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp:

1. Điều kiện hưởng:

1.1. Chế độ tai nạn lao động: Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bị tai nạn lao động trong các trường hợp dưới đây dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả:

- Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

- Bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

- Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

1.2. Chế độ bệnh nghề nghiệp: Người lao động được hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả khi bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.

2. Quyền lợi được hưởng:

Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau thời gian điều trị ổn định thương tật, bệnh tật được giám định mức suy giảm khả năng lao động để làm căn cứ xác định mức trợ cấp được hưởng, cụ thể như sau:

2.1. Trợ cấp một lần:

Áp dụng cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% với mức hưởng được tính: Suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng 5 tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung; ngoài khoản trợ cấp trên, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

2.2. Trợ cấp hàng tháng: Áp dụng cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên với mức hưởng được tính như sau:

- Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung; ngoài khoản trợ cấp trên, hàng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

- Đối với trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng nêu trên, hàng tháng người lao động còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương tối thiểu chung.

- Thời điểm hưởng trợ cấp hàng tháng được tính từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện; trường hợp không điều trị nội trú thì thời điểm hưởng tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa. Trường hợp giám định lại mức suy giảm khả năng lao động do thương tật hoặc bệnh tật tái phát thì thời điểm hưởng trợ cấp hàng tháng được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa.

2.3. Các quyền lợi khác:

- Người lao động hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng được hưởng các quyền lợi sau:

+ Nếu không còn làm việc thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo;

+ Nếu tiếp tục làm việc và tham gia đóng bảo hiểm xã hội, ngoài hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng theo quy định, khi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì được hưởng đồng thời cả lương hưu.

- Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 đến 10 ngày tùy theo mức suy giảm khả năng lao động; mức hưởng cho một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại gia đình và bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.

- Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt theo niên hạn và phù hợp với tình trạng thương tật, bệnh tật như: Chân, tay giả; mắt giả; răng giả; xe lăn, xe lắc, máy trợ thính...

- Trường hợp người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp kể cả chết trong thời gian điều trị lần đầu thì ngoài hưởng chế độ tử tuất theo quy định, thân nhân còn được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung.

IV. Chế độ hưu trí:

1. Lương hưu hàng tháng:

1.1. Điều kiện hưởng:

- Người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng khi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và có một trong các điều kiện sau:

+ Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

+ Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên.

+ Người lao động đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.

+ Người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

- Người lao động có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Nam đủ 50 tuổi trở lên, nữ đủ 45 tuổi trở lên;

+ Có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trở lên.

1.2. Mức hưởng: Mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ % lương hưu được hưởng nhân với mức bình quân tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó:

- Tỷ lệ % lương hưu được hưởng tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng cho 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đầu tiên, từ năm thứ 16 trở đi, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Đối với người nghỉ hưu trước tuổi do bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì tỷ lệ % hưởng lương hưu sau khi tính như trên sẽ bị giảm đi 1% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

- Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần được xác định như sau:

+ Đối với người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức bình quân tiền lương, tiền công để tính lương hưu được tính bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu nếu bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước tháng 1 năm 1995; bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu nếu bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 1995 đến tháng 12 năm 2000; bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu nếu bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian từ tháng 1 năm 2001 đến tháng 12 năm 2006; bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu nếu bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 01 năm 2007 trở đi;

+ Đối với người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức bình quân tiền lương, tiền công để tính lương hưu là mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian;

+ Đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức bình quân tiền lương, tiền công để tính lương hưu là mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian. Tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh theo mức lương tối thiểu chung tại thời điểm hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh tăng tại thời điểm hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

- Trường hợp lương hưu thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được quỹ bảo hiểm xã hội bù bằng mức lương tối thiểu chung.

- Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế theo quy định của Chính phủ.

- Người hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo.

2. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu:

2.1. Điều kiện hưởng: Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội trên 30 năm đối với nam, trên 25 năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

2.2. Mức hưởng: Mức trợ cấp được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội kể từ năm thứ 31 trở đi đối với nam và năm thứ 26 trở đi đối với nữ, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.

3. Trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần:

 

3.1. Điều kiện hưởng trợ cấp một lần: Người lao động được hưởng trợ cấp một lần do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả khi có một trong các điều kiện sau:

+ Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

+ Sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

+ Ra nước ngoài để định cư mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

3.2. Mức hưởng: Mức trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội. 

4. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội:

Người lao động khi nghỉ việc chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần được bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở cộng nối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội sau này (nếu có) hoặc để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện.

V. Chế độ tử tuất:

1. Trợ cấp mai táng:

1.1. Điều kiện hưởng: Người lo mai táng cho một trong những đối tượng nêu dưới đây chết:

- Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội;

- Người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội;

- Người đang hưởng lương hưu;

- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đã nghỉ việc.

1.2. Mức trợ cấp mai táng: Người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả bằng 10 tháng lương tối thiểu chung.

2. Trợ cấp tuất hàng tháng:

2.1. Điều kiện hưởng:

- Điều kiện về đối tượng: Các đối tượng dưới đây khi chết thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả:

+ Đã đóng bảo hiểm xã hội 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần;

+ Đang hưởng lương hưu;

+ Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

- Điều kiện về thân nhân:

+ Con chưa đủ 15 tuổi; con chưa đủ 18 tuổi nếu còn đi học; con từ đủ 15 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

+ Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi hoặc chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng, người khác mà đối tượng này trước khi chết có trách nhiệm nuôi dưỡng nếu đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ hoặc dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Điều kiện về thu nhập: Những thân nhân nêu trên (trừ thân nhân là con) phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng nhưng thấp hơn mức lương tối thiểu chung.

2.2. Quyền lợi được hưởng:

- Mỗi thân nhân đủ điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng bằng 50% mức lương tối thiểu chung; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương tối thiểu chung.

- Trường hợp một người chết thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng không quá 4 người; trường hợp có từ 2 người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 2 lần mức trợ cấp theo quy định trên.

- Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hàng tháng của thân nhân được tính từ tháng liền kề sau tháng đối tượng chết.

3. Trợ cấp tuất một lần:

3.1. Điều kiện hưởng:

Người chết không đủ điều kiện để thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc đủ điều kiện nhưng không có thân nhân hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

3.2. Quyền lợi được hưởng: Thân nhân nêu trên được hưởng trợ cấp tuất một lần do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả theo mức dưới đây:

- Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân người lao động đang làm việc hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chết được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội; mức thấp nhất bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng (mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính theo quy định như đối với chế độ hưu trí).

- Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.

Bảo hiểm xã hội
Hỏi đáp mới nhất về Bảo hiểm xã hội
Hỏi đáp Pháp luật
Công thức điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội từ 28/02/2025?
Hỏi đáp Pháp luật
Công thức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội từ 28/02/2025?
Hỏi đáp Pháp luật
Giám đốc không hưởng lương có phải đóng bảo hiểm xã hội? Mức lương đóng BHXH của giám đốc năm 2025?
Hỏi đáp Pháp luật
Đã có Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập đã đóng bảo hiểm?
Hỏi đáp Pháp luật
Cách tính tròn năm đóng bảo hiểm xã hội 2025? Đóng bảo hiểm 7 tháng thì có được làm tròn năm không?
Hỏi đáp Pháp luật
Cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH từ ngày 01/7/2025?
Hỏi đáp Pháp luật
Chế độ hưởng bảo hiểm xã hội mới nhất theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024?
Hỏi đáp Pháp luật
Tiền thưởng Tết 2025 của người lao động có tính đóng bảo hiểm xã hội không?
Hỏi đáp Pháp luật
Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là gì? Nguyên tắc bảo hiểm hưu trí bổ sung là gì?
Hỏi đáp Pháp luật
Trách nhiệm của doanh nghiệp về bảo hiểm xã hội từ ngày 01/7/2025?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Bảo hiểm xã hội
Thư Viện Pháp Luật
409 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Bảo hiểm xã hội

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Bảo hiểm xã hội

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào