Muốn tố cáo và ly hôn khi chồng chung sống với người đàn bà khác

Chồng tôi chung sống với người đàn bà khác đã có con gần một tuổi nhưng anh ta vẫn chưa ly dị, bố mẹ chồng tôi bao che khi biết con trai mình phạm luật. Giờ tôi muốn gửi đơn ly hôn và tố cáo thì phải làm thế nào?

Nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, tại Khoản 2 Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định, cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Như vậy, người nào thực hiện một trong các hành vi bị cấm nêu trên là vi phạm pháp luật.

Có nhiều biện pháp để bảo vệ hôn nhân, gia đình, khi vợ chồng không chung thuỷ với nhau, có quan hệ ngoại tình, thì người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, cần tích cực nhắc nhở, khuyên bảo, động viên, tha thứ lỗi lầm… để họ chấm dứt quan hệ ngoại tình.

Trường hợp đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình, vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điểm a, b, c khoản 1 Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng như  sau:

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.

- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

Trường hợp xử lý hình sự

Điều 147 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:

Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Việc xử lý tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự được hướng dẫn tại Mục 3, Thông tư Liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 của Liên Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao như sau:

Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...

Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát… hoặc người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Nếu bạn muốn ly hôn, thì việc chồng bạn ngoại tình và có con với người đàn bà khác hơn 1 tuổi là lý do để bạn có thể nộp đơn lên Tòa án xin ly hôn

Thủ tục ly hôn như sau:

- Nếu đơn phương xin ly hôn thì Toà án Nhân dân quận, huyện nơi bị đơn đang cư trú (nơi thường trú hoặc nơi tạm trú) có thẩm quyền giải quyết. Nếu thuận tình ly hôn thì các bên có thể lựa chọn toà án nơi một trong hai bên đang cư trú. Nếu trong vụ án ly hôn có  tranh chấp mà đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài thuộc thẩm quyền của Toà án Nhân dân tỉnh, thành phố (điều 33, 34, 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004). Nếu thuận tình ly hôn chị có thể lựa chọn toà án nơi người vợ hoặc người chồng đang cư trú.

Hồ sơ xin ly hôn bao gồm:

1. Chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của vợ và chồng

2. Đăng ký kết hôn bản chính

3. Giấy khai sinh của các con

4. Giấy tờ về tài sản nếu có yêu cầu chia.

Căn cứ khoản 1 điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về căn cứ cho ly hôn như sau: Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu  xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định  cho ly hôn.

Theo quy định tại điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình thì việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn như sau:

1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

2. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác.

Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn được quy định như sau:

1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề  nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

3. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Theo quy định nêu trên nếu đất đai được xác định là tài sản chung của vợ chồng (được hình thành trong thời kỳ đăng ký kết hôn) về nguyên tắc sẽ chia đôi có tính đến công sức đóng góp của hai bên. 

Nguồn: Công ty Luật Vinabiz/ Nguoiduatin.vn

Ly hôn
Hỏi đáp mới nhất về Ly hôn
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu đơn nguyện vọng của con khi bố mẹ ly hôn mới nhất? Hướng dẫn cách viết đơn xin trình bày nguyện vọng của con?
Hỏi đáp Pháp luật
Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng có phải là căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu đơn xin cấp lại quyết định ly hôn mới nhất? Quyết định ly hôn bị mất có được xin cấp lại không?
Hỏi đáp Pháp luật
Ly hôn ở nước ngoài có xin xác nhận tình trạng hôn nhân tại Việt Nam được không?
Hỏi đáp Pháp luật
Sự khác biệt giữa ly thân và ly hôn năm 2024?
Hỏi đáp Pháp luật
Vợ chồng ly hôn, ai được chia tài sản nhiều hơn?
Hỏi đáp Pháp luật
Sau khi ly hôn có được quyền ngăn cản đối phương đến thăm con không?
Hỏi đáp Pháp luật
Chồng không chịu ký tên vào đơn ly hôn thì vợ có ly hôn được không?
Hỏi đáp Pháp luật
Ly hôn xong có đổi họ cho con sang họ mẹ được không? Đổi họ cho con ở đâu?
Hỏi đáp Pháp luật
Căn cứ để Tòa án trao quyền nuôi con khi ly hôn là gì? Trong trường hợp nào được thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Ly hôn
Thư Viện Pháp Luật
255 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Ly hôn

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Ly hôn

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào