Đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú?
Đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú?
Ngày 17/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 240/NQ-CP năm 2024 về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2024. Trong đó có thảo luận về một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật với các yêu cầu sau:
- Tiếp tục tổng kết pháp luật và các quy định có liên quan, kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; sửa đổi, bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn. Rà soát, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Khám bệnh, chữa bệnh... Thực hiện đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách được đưa ra là hợp lý, khả thi, hiệu quả. Tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm quốc tế quản lý người bị tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, văn hóa của Việt Nam. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu;
- Đối với Chính sách 1: Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách là mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định cả về thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú và nhất trí việc đổi tên Luật thành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng trên thực tế. Về hình thức giám sát điện tử đối với người đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, trường hợp cần thiết, nghiên cứu quy định những nguyên tắc chung, thẩm quyền và điều kiện áp dụng trong Luật và giao Chính phủ quy định chặt chẽ, cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, thực tiễn và đúng thẩm quyền;
- Đối với Chính sách 2: Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách này nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam, đáp ứng yêu cầu quản lý giam giữ theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, Chính sách có nhiều quy định được đề xuất bổ sung, vì vậy cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động cụ thể với các đề xuất và các nội dung dự kiến sẽ quy định cụ thể để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi;
- Đối với Chính sách 3: Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách, nhằm quy định chế độ, chính sách tốt hơn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam; là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người bị kết án tử hình đang bị tạm giam. Tuy nhiên, chính sách này có liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Khám, chữa bệnh, Luật Trẻ em, Luật Căn cước, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự... Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rà soát kỹ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật; gửi Bộ Tư pháp tổng hợp.
Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội (Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV).
Xem chi tiết toàn văn dự thảo Luật Thi hành tạm giữ tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú (Dự thảo 2) tại đây
Đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam hiện nay như thế nào?
Tại Điều 4 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 có quy định về nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam hiện nay như sau:
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh lệnh, quyết định về tạm giữ, tạm giam, trả tự do của cơ quan, người có thẩm quyền.
- Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
- Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 và luật khác có liên quan.
- Áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, độ tuổi, giới tính, sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới, quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các đặc điểm nhân thân khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành tạm giữ tạm giam?
Tại Điều 8 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 có quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành tạm giữ tạm giam như sau:
- Tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
- Không chấp hành lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về tạm giữ, tạm giam, trả tự do.
- Giam giữ người trái pháp luật; trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam; vi phạm quy định trong quản lý, canh gác, áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
- Cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 và luật khác có liên quan.
- Phá hủy cơ sở giam giữ, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cơ sở giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khỏi nơi giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khi đang bị áp giải; đánh tháo người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
- Không chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ hoặc quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
- Thực hiện hoặc tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, che giấu, ép buộc người khác vi phạm pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác trong thi hành tạm giữ, tạm giam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tạm giữ tạm giam có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng hợp lời chúc Giáng sinh ngắn gọn, mới nhất năm 2024?
- Đề ôn thi Trạng nguyên Tiếng Việt lớp 5 vòng 8 cấp huyện có đáp án 2024 - 2025?
- Lịch âm tháng 2 năm 2025 - Lịch vạn niên tháng 2 năm 2025 đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Không tổ chức diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam?
- Chính thức chốt mức lương cơ sở cán bộ công chức viên chức năm 2025 chưa?