Chính phủ điện tử là Chính phủ như thế nào? Mục tiêu của chính phủ điện tử là gì?
Chính phủ điện tử là Chính phủ như thế nào?
Căn cứ Chuyên đề 6 Tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh Lưu trữ viên chính (hạng II) ban hành kèm theo Quyết định 1277/QĐ-BNV năm 2017 thì chính phủ điện tử được hiểu như sau:
Chính phủ điện tử là một thuật ngữ xuất hiện chưa lâu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện không có một định nghĩa thống nhất về Chính phủ điện tử, hay nói cách khác, hiện không có một hình thức Chính phủ điện tử được áp dụng giống nhau cho tất cả các nước và vùng lãnh thổ.
Theo Liên Hợp Quốc (UN) và Hiệp hội hành chính Hoa Kỳ (American Society of Public Administration - ASPA), Chính phủ điện tử là việc Chính phủ khai thác các tính năng Internet và Web vào cung cấp thông tin và dịch vụ tới người dân và các đối tượng khác trong xã hội.
Ngân hàng thế giới (World Bank) quan niệm: “Chính phủ điện tử là việc các cơ quan của chính phủ sử dụng một cách có hệ thống CNTT-TT để thực hiện quan hệ với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, nhờ đó giao dịch của các cơ quan chính phủ với người dân và các tổ chức sẽ được cải thiện, nâng cao chất lượng. Lợi ích thu được sẽ là giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính công khai, sự tiện lợi, góp phần vào sự tăng trưởng và giảm chi phí”.
Tổ chức Đối thoại doanh nghiệp toàn cầu về thương mại điện tử đưa ra khái niệm: “Chính phủ điện tử là đề cập đến một trạng thái trong đó các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp (bao gồm cả chính quyền trung ương và chính quyền địa phương) số hóa các hoạt động bên trong và bên ngoài của họ và sử dụng các hệ thống được nối mạng hiệu quả để có được chất lượng tốt hơn trong việc cung cấp các dịch vụ công”.
Một số học giả khác cho rằng Chính phủ điện tử là mối quan hệ Chính phủ, khách hàng và nhà cung cấp trong đó không chỉ liên quan đến máy tính, mạng Internet mà là sự đổi mới toàn diện các quan hệ (đặc biệt là quan hệ giữa chính quyền và công dân), các nguồn lực, các quy trình, phương thức hoạt động và bản thân nội dung các hoạt động của chính quyền trung ương và địa phương, và ngay cả các quan niệm về các hoạt động đó.
Từ những nội dung nêu trên cho phép tổng hợp và rút ra một cách hiểu chung nhất:
“Chính phủ điện tử là việc các cơ quan Chính phủ sử dụng công nghệ thông tin (như các mạng diện rộng, Internet, công nghệ di động) để thay đổi các quan hệ của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác, hướng tới cung cấp các dịch vụ tốt hơn đến người dân, doanh nghiệp, tăng cường sự tương tác của người dân, doanh nghiệp với Chính phủ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước”.
Hay nói ngắn gọn,
“Chính phủ điện tử là chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan chính phủ, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn”.
Chính phủ điện tử là chính phủ như thế nào? Mục tiêu của chính phủ điện tử là gì? (Hình từ Internet)
Mục tiêu của chính phủ điện tử là gì?
Theo Chuyên đề 6 Tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh Lưu trữ viên chính (hạng II) ban hành kèm theo Quyết định 1277/QĐ-BNV năm 2017 thì mục tiêu của chính phủ điện tử như sau:
Mục tiêu chung của Chính phủ điện tử là tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả điều hành nhà nước của Chính phủ, mang lại thuận lợi cho người dân, tăng cường sự công khai minh bạch (transparency), giảm chi tiêu chính phủ.
Các mục tiêu cụ thể gồm:
- Nâng cao năng lực quản lý điều hành của Chính phủ và các cơ quan chính quyền các cấp (trao đổi văn bản điện tử, thu thập thông tin chính xác và kịp thời ra quyết định, giao ban điện tử...). Cải tiến quy trình công tác trong cơ quan Chính phủ thông qua hành chính điện tử, xây dựng và thường xuyên cập nhật các quy trình ISO trong quản lý, điều hành, tác nghiệp. Nâng cao tính minh bạch và tin cậy thông qua việc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành để người dân được chủ động trong quá trình tham gia hoạch định chính sách của chính phủ.
- Cung cấp cho người dân và doanh nghiệp các dịch vụ công tạo điều kiện cho người dân dễ dàng truy nhập ở khắp mọi nơi. Cải thiện giao dịch của các cơ quan Chính phủ với công dân, doanh nghiệp và các tổ chức về phạm vi và khả năng tiếp cận các dịch vụ, tạo ra thay đổi về chất trong cách công dân tương tác với chính phủ và trong áp dụng các biện pháp điều hành nền kinh tế và quản lý xã hội của chính phủ.
- Người dân có thể tham gia xây dựng chính sách, đóng góp vào quá trình xây dựng luật pháp, quá trình điều hành của chính phủ một cách tích cực. Thông qua hệ thống mạng Internet, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa của đất nước có thể gửi và nhận thông tin dễ dàng hơn tới và từ chính phủ, mở rộng khả năng tương tác và chia sẻ thông tin.
- Giảm được chi phí cho bộ máy chính phủ, thực hiện một chính phủ hiện đại, hiệu quả và minh bạch. Chính phủ điện tử tạo ra phong cách lãnh đạo mới, nâng cao được năng lực quản lý điều hành, hỗ trợ việc cung cấp thông tin được đầy đủ và nhanh chóng, nâng cao năng suất về mặt hành chính và giảm thiểu chi phí, giúp giảm bớt các khâu thủ tục rườm rà trong cung cấp dịch vụ công.
Các giai đoạn xây dựng Chính phủ điện tử gồm những giai đoạn nào?
Theo Chuyên đề 6 Tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh Lưu trữ viên chính (hạng II) ban hành kèm theo Quyết định 1277/QĐ-BNV năm 2017 thì các giai đoạn xây dựng Chính phủ điện tử gồm:
Nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...cho thấy phát triển Chính phủ điện tử là quá trình liên tục, trải qua các giai đoạn khác nhau. Các tổ chức khác nhau có cách phân chia các giai đoạn phát triển Chính phủ điện tử của riêng mình, trong đó nổi bật là cách phân chia của Gartner5, bao gồm:
- Giai đoạn 1 (Hiện diện - Presence): Cung cấp thông tin cơ bản về các cơ quan chính phủ như chức năng, nhiệm vụ, địa chỉ liên hệ, thời gian làm việc, các văn bản liên quan giúp người dân tiếp cận thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
- Giai đoạn 2 (Tương tác - Interaction): Trang thông tin điện tử của các cơ quan chính phủ cung cấp chức năng tìm kiếm, cho phép tải về các biểu mẫu điện tử, các đường liên kết với các trang thông tin điện tử liên quan, cũng như danh bạ địa chỉ thư điện tử, người dân có thể trao đổi qua thư điện tử, tải xuống các biểu mẫu và tài liệu.
- Giai đoạn 3 (Giao dịch - Transaction): Cho phép thực hiện hoàn chỉnh các dịch vụ công (nộp hồ sơ, xử lý hồ sơ, trả phí dịch vụ trực tuyến...) với việc sử dụng chữ ký điện tử. Người dân không cần trực tiếp đến cơ quan hành chính.
- Giai đoạn 4 (Chuyển đổi - Transformation): Ngoài việc thực hiện các chức năng trong giai đoạn 3, giai đoạn này cung cấp một điểm truy cập duy nhất (điểm giao dịch ảo trên mạng Internet) tới cơ quan chính phủ, thông qua đó có thể thực hiện mọi giao dịch và các cơ quan chính phủ là “trong suốt” đối với người dân. Việc tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả đạt được ở mức cao nhất có thể.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?