Như thế nào là lấn chiếm lòng lề đường? Lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường thuộc vi phạm gì?
Như thế nào là lấn chiếm lòng lề đường? Lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường thuộc vi phạm gì?
Tại khoản 1 Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có quy định về việc sử dụng lòng lề đường như sau:
- Lòng đường được sử dụng cho mục đích giao thông; vỉa hè được sử dụng cho người đi bộ. Trường hợp cần thiết sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phục vụ sự kiện chính trị, hoạt động văn hoá, thể thao và mục đích khác, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phải có phương án sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè và được cơ quan có thẩm quyền cho phép; cơ quan cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè gửi thông báo ngay cho cơ quan Cảnh sát giao thông.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè chỉ được sử dụng đúng mục đích do cơ quan có thẩm quyền cho phép; chấp hành các yêu cầu của Cảnh sát giao thông; không làm mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hoàn trả nguyên trạng lòng đường, vỉa hè sau khi kết thúc việc sử dụng.
Như vậy, lấn chiếm lòng lề đường có thể hiểu là hành vi sử dụng trái phép phần diện tích lòng đường, vỉa hè dành cho giao thông và đi bộ để phục vụ mục đích cá nhân hoặc tổ chức, gây cản trở giao thông và ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng.
Hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường là hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Như thế nào là lấn chiếm lòng lề đường? Lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường thuộc vi phạm gì? (Hình từ Internet)
Buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường bị phạt bao nhiêu?
Tại khoản 1, khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định về mức phạt đối với hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè như sau:
Điều 12. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này;
b) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.
[...]
5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
[...]
b) Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này;
[...]
Như vậy, hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè có thể bị phạt tiền với mức phạt như sau:
- Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
+ Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân
+ Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức.
- Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân,
+ Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức.
Xem thêm: Lấn chiếm vỉa hè làm bãi giữ xe bị phạt bao nhiêu?
Cá nhân buôn bán dạo không được kinh doanh tại những địa điểm nào?
Tại Điều 6 Nghị định 39/2007/NĐ-CP có quy định cá nhân buôn bán dạo (cá nhân hoạt động thương mại) không được kinh doanh tại những địa điểm sau:
- Khu vực thuộc các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, các danh lam thắng cảnh khác;
- Khu vực các cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế;
- Khu vực thuộc vành đai an toàn kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ, doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Khu vực thuộc cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân ga, bến tầu, bến xe, bến phà, bến đò và trên các phương tiện vận chuyển;
- Khu vực các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;
- Nơi tạm dừng, đỗ của phương tiện giao thông đang tham gia lưu thông, bao gồm cả đường bộ và đường thủy;
- Phần đường bộ bao gồm lối ra vào khu chung cư hoặc khu tập thể; ngõ hẻm;
Vỉa hè, lòng đường, lề đường của đường đô thị, đường huyện, đường tỉnh và quốc lộ dành cho người và phương tiện tham gia giao thông, trừ các khu vực, tuyến đường hoặc phần vỉa hè đường bộ được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch hoặc cho phép sử dụng tạm thời để thực hiện các hoạt động thương mại;
- Các tuyến đường, khu vực (kể cả khu du lịch) do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền quy định và có biển cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại;
- Khu vực thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân tuy không phải là khu vực, tuyến đường, địa điểm cấm sử dụng làm địa điểm kinh doanh trên nhưng không được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân đó hoặc khu vực đó có biển cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.