TP HCM: Không giữ xe mô tô của học sinh khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có GPLX?
TP HCM: Không giữ xe mô tô của học sinh khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có GPLX?
Ngày 05/11/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có Công văn 7163/SGDĐT-CTTT Tại đây về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố.
Trong thời gian gầy đây, qua công tác phối hợp với Công an Thành phố tổ chức kiểm tra thực tế tại các trường học trên địa bàn Thành phố vẫn còn một vài đơn vị vi phạm quy định về giữ xe học sinh khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe mô tô, Giáo dục và Đào tạo đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thực hiện các nội dung sau:
- Tiếp tục thực hiện các văn bản các cấp đã triển khai về bảo đảm đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh tại các cơ sở giáo dục.
- Phối hợp với công an tại địa phương: Tổ chức tuyên truyền cho học sinh các nội dung liên quan đến Luật giao thông đường bộ và các nội dung tại Kế hoạch 1157/KH-UBND năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về triển khai thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg năm 2023 về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; yêu cầu các hộ dân giữ xe xung quanh trường học cam kết không nhận trông, giữ xe mô tô trên 50cm3 của học sinh khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe mô tô.
- Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường kiểm tra đơn vị giữ xe tại trường kiên quyết không giữ xe mô tô của học sinh khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe. Thủ trưởng đơn vị chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu phát hiện đơn vị có trông giữ xe mô tô có phân khối lớn cho các em học sinh chưa đủ tuổi hoặc chưa cấp giấy phép lái xe mô tô.
- Các cơ sở giáo dục khi tiếp nhận thông tin từ công an báo bằng văn bản có học sinh vi phạm pháp luật về giao thông, trách nhiệm mời cha mẹ học sinh đến làm việc và thông báo rõ lỗi vi phạm; yêu cầu cha mẹ học sinh phối hợp quản lý, giáo dục học sinh, thực hiện cam kết của cha mẹ học sinh về việc không giao xe cho học sinh điều khiển khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe theo quy định; học sinh thực hiện cam kết không điều khiển xe mô tô trên 50cm3 khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe mô tô và cam kết khi tham gia giao thông bằng xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy đến trường phải đội mũ bảo hiểm; nhà trường có biện pháp xử lý học sinh mang tính giáo dục, phù hợp với nội quy tại đơn vị.
- Các cơ sở giáo dục có sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có uy tín, chất lượng, thực hiện nghiêm quy định về yêu cầu kỹ thuật, quy trình đưa đón, bảo đảm an toàn cho học sinh; có trách nhiệm tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh thực hiện đúng quy trình an toàn. Kiên quyết không để các phương tiện mất an toàn tham gia đưa đón học sinh.
TP HCM: Không giữ xe mô tô của học sinh khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có GPLX? (Hình từ Internet)
Theo quy định hiện hành, bao nhiêu tuổi được điều khiển xe mô tô?
Căn cứ quy định Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về tuổi, sức khỏe của người lái xe như sau:
Điều 60. Tuổi, sức khỏe của người lái xe
1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
[....]
Như vậy, theo quy định hiện hành, người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi.
Chưa đủ tuổi lái xe mô tô bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ quy định khoản 1, khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
[....]
4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;
b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
[....]
Như vậy, người chưa đủ tuổi lái xe mô tô thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo hai hình thức sau đây:
- Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Năm 2024, kỷ niệm bao nhiêu năm Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11/1930 - 18/11/2024)?
- 12 dịch vụ tại cảng biển thuộc diện kê khai giá từ ngày 15/01/2025?
- Mẫu đơn giải trình Đảng viên sinh con thứ 3 mới nhất năm 2024?
- Tỉnh Bắc Kạn có bao nhiêu huyện và thành phố? Tỉnh Bắc Kạn giáp tỉnh nào?
- Lập xuân 2025 vào ngày nào? Ngày Lập xuân bắt đầu và kết thúc vào ngày nào?