Các yếu tố cấu thành tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo Bộ luật Hình sự?
Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt bao nhiêu năm tù?
Căn cứ Điều 256 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy:
Điều 256. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với người dưới 16 tuổi;
d) Đối với 02 người trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo quy định trên, người nào có hành vi cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì bị truy cứu trách nhiệm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Người phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 15 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Các yếu tố cấu thành tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo Bộ luật Hình sự? (Hình từ Internet)
Các yếu tố cấu thành tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo Bộ luật Hình sự?
Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là một tội độc lập được quy định tại Điều 256 Bộ luật Hình sự 2015. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy có các dấu hiệu pháp lý sau:
[1] Chủ thể
Căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Như vậy, chủ thể tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là cá nhân có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Vì tội này không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
[2] Khách thể
Khách thể của tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi phạm tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng chất ma túy.
Ngoài ra, tội phạm còn xâm hại trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người và lan tràn tệ nạn nghiện ma túy.
[3] Khách quan
Mặt khách quan của tội phạm nêu trên có một trong các dấu hiệu sau đây:
Tại Tiểu mục 7 Mục 2 Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn về hành vi khách quan của tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy như sau:
- Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi của người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý biết người khác là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng vẫn cho họ mượn hoặc thuê địa điểm đó để họ trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy.
- Có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là trường hợp người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý, biết người khác (không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của mình) là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, tuy không cho họ thuê, mượn địa điểm, nhưng lại để mặc cho họ hai lần sử dụng trái phép chất ma túy trở lên hoặc để mặc cho nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy.
Tuy nhiên, khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy cũng cần phân biệt như sau:
- Người có địa điểm cho người khác mượn hoặc thuê địa điểm mà biết là họ dùng địa điểm đó không phải để họ sử dụng chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy, mà dùng địa điểm đó để đưa chất ma túy trái phép vào cơ thể người khác, thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy"
- Người nào bán trái phép chất ma túy cho người khác và còn cho họ sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình để sử dụng trái phép chất ma túy thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy người đó còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy
Như vậy hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy khác với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ở chỗ: Hành vi tổ chức sử dụng thì người phạm tội phải đứng ra tổ chức, dẫn dắt con nghiện, còn hành vi chứa chấp người sử dụng là chỉ tiếp tay, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng ma túy.
Vì vậy tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy có thể thực hiện bằng hành động như cho thuê, cho mượn địa điểm…cũng có thể không hành động như biết người khác sử dụng trái phép chất ma túy nhưng làm ngơ, không ngăn cản người khác sử dụng chỗ ở, chỗ làm việc của mình làm chỗ tiên chích, hút, hít chất ma túy…
[4] Chủ quan
Mặt chủ quan của tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý (người có địa điểm cho mượn, cho thuê biết rõ người mượn, người thuê là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy).
Các hoạt động hợp pháp nào liên quan đến ma túy được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép?
Căn cứ Điều 12 Luật Phòng, chống ma túy 2021 quy định các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép, bao gồm:
- Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất chất ma túy (không bao gồm trồng cây có chứa chất ma túy), tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất
- Vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất
- Nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đăng ký hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài gồm những gì?
- Từ 01/01/2025, tiêu chuẩn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông là gì?
- Địa chỉ các Tòa án nhân dân cấp cao tại Việt Nam?
- 08 tính năng bắt buộc của ứng dụng Online Banking từ 1/1/2025?
- Hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục mầm non độc lập công lập bao gồm gì?