06 nhiệm vụ trọng tâm xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia?
06 nhiệm vụ trọng tâm xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia?
Ngày 23/10/2024, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 485/TB-VPCP Tải về kết luận của Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.
Theo đó, tại Mục 4 Thông báo 485/TB-VPCP năm 2024
Tải về, để hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, trong đó có chỉ tiêu về hạ tầng quan trọng, đặc biệt là đến năm 2025, hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, hoàn thành xây dựng một số cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng điện, hạ tầng viễn thông,… đáp ứng yêu cầu cao, mong đợi lớn của nhân dân, Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp cùng thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
(1) Nhận thức rõ hơn nữa về tầm quan trọng của các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng quốc gia trong tạo không gian phát triển mới, giúp hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, làm tăng giá trị của đất đai, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm chi phí logistics, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, của nền kinh tế. Việc triển khai các dự án hạ tầng chiến lược đã và đang được làm tốt, sắp tới phải làm tốt hơn.
(2) Đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp, nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hạ tầng chiến lược về giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục, văn hóa… với tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
(3) Tập trung ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến; đào tạo nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực quản trị theo hướng thông minh trong hoạt động của các doanh nghiệp và triển khai các dự án, đặc biệt đối với doanh nghiệp xây dựng.
(4) Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế liên quan giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, quy chuẩn, quy trình, đấu thầu, chỉ định thầu… trong triển khai dự án, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.
(5) Các doanh nghiệp xây dựng cần tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ sức mạnh nội sinh, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt thể chế, cơ chế tạo nguồn lực tài chính, nguồn lực về con người và hợp tác với các đối tác nước ngoài trong chuyển giao công nghệ.
(6) Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp luôn chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu với các khó khăn, thách thức, động viên, khích lệ về những thành quả đã làm được; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, nguồn lực, nhân lực để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, góp phần phát triển đất nước.
06 nhiệm vụ trọng tâm xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia? (Hình từ Internet)
Bộ Xây dựng có trách nhiệm như thế nào trong việc xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia?
Tại Mục 5 Thông báo 485/TB-VPCP năm 2024 Tải về quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia như sau:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về hợp đồng xây dựng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế;
- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng, giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình;
- Nghiên cứu, đề xuất phân định rõ phạm vi, trách nhiệm của các Bộ quản lý xây dựng công trình chuyên ngành; quy định thống nhất hệ thống mã hiệu,
- Tập trung hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc công bố giá xây dựng trên địa bàn.
Công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia phải có đủ các tiêu chí nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Nghị định 126/2008/NĐ-CP quy định công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia phải có đủ các tiêu chí sau đây:
(1) Là công trình có một trong các đặc trưng:
* Là cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia:
- Công trình quốc phòng, an ninh quan trọng nếu để xảy ra sự cố hoặc bị phá hoại sẽ làm suy yếu khả năng phòng thủ bảo vệ Tổ quốc hoặc trực tiếp tác động đến sự tồn tại của chế độ.
- Công trình văn hóa, thông tin - truyền thông nếu bị phá hoại hoặc bị lợi dụng làm phương tiện thông tin, tuyên truyền chống lại chính quyền nhà nước sẽ trực tiếp tác động đến tư tưởng người dân, đến sự tồn tại của chế độ.
- Công trình có sử dụng công nghệ hạt nhân (lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, nhà máy điện hạt nhân), công trình đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội, giao thông, đê điều, điện lực, thủy lợi, xây dựng nếu để xảy ra sự cố hoặc bị phá hoại sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc dân, gây thảm hoạ đối với đời sống con người, môi trường sinh thái.
* Là nơi tập trung lưu giữ, bảo quản nhiều hồ sơ tài liệu, mẫu vật, hiện vật thuộc danh mục bí mật nhà nước hoặc có giá trị đặc biệt quan trọng về chính trị - ngoại giao, văn hóa - lịch sử, kinh tế, khoa học - kỹ thuật; nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động nghiên cứu, hoạch định chủ trương, chính sách thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
* Là nơi bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái.
* Công trình khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
(2) Là công trình đòi hỏi phải áp dụng công tác bảo vệ đặc biệt, tuyệt đối an toàn trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý và sử dụng theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
