Đơn khởi kiện dân sự nộp lên Tòa án sau bao lâu thì mới phải nộp tạm ứng án phí?
Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án bằng các phương thức nào?
Theo quy định Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án.
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính.
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Đơn khởi kiện dân sự nộp lên Tòa án sau bao lâu thì mới phải nộp tạm ứng án phí?
Căn cứ theo Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 sửa đổi bởi khoản 1 Điều 78 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, thủ tục tiếp nhận đơn khởi kiện dân sự nộp lên Tòa án bao gồm các bước như sau:
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án thông qua bộ phận tiếp nhận đơn hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi bằng phương thức gửi trực tuyến
Bước 2: Nhận đơn khởi kiện
- Đối với nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.
- Đối với nhận đơn khởi kiện qua dịch vụ bưu chính thì Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện trong vòng 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn.
- Đối với nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có),
Bước 3: Trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Bước 4: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện.
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn theo quy định.
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Mặt khác, theo Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, việc nộp tạm ứng án phí dân sự được thực hiện khi đơn khởi kiện dân sự được thụ lý. Cụ thể, sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán sẽ thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Như vậy, tạm ứng án phí dân sự không phải đóng ngay khi nộp đơn khởi kiện. Thay vào đó, việc nộp tạm ứng án phí dân sự sẽ phụ thuộc vào quyết định Tòa án có thụ lý đơn hay không. Ngoài ra, trường hợp đơn được thụ lý thì Tòa án sẽ gửi giấy báo nộp tiền tạm ứng án phí và người khởi kiện sẽ nộp tiền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo. Số tiền tạm ứng án phí do Thẩm phán dự tính và được ghi vào giấy báo đã gửi.
Đơn khởi kiện dân sự nộp lên Tòa án sau bao lâu thì mới phải nộp tạm ứng án phí? (Hình từ Internet)
Đơn khởi kiện dân sự gồm các nội dung chính nào?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đơn khởi kiện dân sự gồm các nội dung chính như sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện.
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện.
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện.
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có).
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Đơn khởi kiện có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến dữ liệu từ 01/07/2025?
- Phân cấp của đầu phát hiện khói công nghệ hút của hệ thống báo cháy theo TCVN 7568-20:2016 (ISO 7240-20:2010)?
- Thí sinh tự do năm 2025 thi tốt nghiệp THPT chương trình cũ hay mới?
- Đã có Thông tư 25/2024/TT-BTNMT quy định quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai?
- Tải Mẫu giấy mời họp phụ huynh học sinh cuối học kì 1 cấp 1, 2 3 năm học 2024-2025?