Bão số 4 ảnh hưởng những tỉnh nào? Nội dung triển khai công tác y tế ứng phó bão số 4?
Bão số 4 ảnh hưởng những tỉnh nào?
Tính đến 14h00 ngày 19/9/2024, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 16.9 độ Vĩ Bắc; 106.9 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị.; sức gió mạnh nhất cấp 7 (50-61 km/h), giật cấp 10. Dự báo trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Mặt khác, dự báo bão số 4 ảnh hưởng những tỉnh như sau:
[1] Trên biển:
- Vùng biển từ Nghệ An đến Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, ở khu vực biển từ Bình Định đến Cà Mau, phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3,0-5,0m. Biển động mạnh. Khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng cao từ 2-3m. Biển động.
Ven biển các tỉnh từ Nghệ An tới Thừa Thiên Huế cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cao và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp vào chiều ngày 19/9.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên vẫn còn có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, triều cao và nước dâng do bão.
[2] Trên đất liền:
- Vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7-8, giật cấp 10; sâu trong đất liền có gió giật mạnh cấp 6-7.
[3] Mưa lớn:
- Từ chiều 19/9 đến ngày 20/9, mưa lớn tập trung ở khu vực Thanh Hóa đến Quảng Trị, phổ biến từ 100-250mm, cục bộ có nơi trên 400mm. Đề phòng mưa cường suất lớn (>100mm/6 giờ) ở khu vực từ Hà Tĩnh-Quảng Trị trong chiều và đêm nay (19/9).
- Mưa lớn dẫn đến tình trạng ngập lụt cho các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư do nước không kịp thoát.
Bão số 4 ảnh hưởng những tỉnh nào? Nội dung triển khai công tác y tế ứng phó bão số 4? (Hình từ Internet)
Nội dung triển khai công tác y tế ứng phó bão số 4 như thư thế nào?
Theo Công điện 1157/CĐ-BYT năm 2024, để chủ động ứng phó bão số 4, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung khẩn trương triển khai công tác y tế theo nội dung sau:
- Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương và Bộ Y tế về việc chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa, lũ, thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các phương tiện thông tin đại chúng; chủ động rà soát kế hoạch, phương án phòng chống bão lũ và triển khai công tác phòng, chống, ứng phó bão lũ phù hợp với diễn biến thiên tai, yêu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị.
- Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra; không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ; chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.
- Tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nước sạch, công tác an toàn thực phẩm do bão, mưa lũ gây ra; sắp xếp, ổn định các cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân sau mưa lũ.
- Báo cáo tình hình thiệt hại, nhu cầu, khả năng bảo đảm của địa phương và đề xuất hỗ trợ khi vượt quá khả năng bảo đảm của địa phương về Bộ Y tế (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Phòng chống thiên tai cần đảm bảo nguyên tắc gì?
Căn cứ tại Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 quy định phòng chống thiên tai cần đảm bảo nguyên tắc như sau:
- Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
- Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau.
- Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
- Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.
- Phòng, chống thiên tai phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới.
- Phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?