Khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự 2025 là khám những gì?
Khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự 2025 là khám những gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 105/2023/TT-BQP có giải thích khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện kiểm tra, đánh giá sơ bộ sức khỏe đối với công dân được gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự trước mỗi đợt tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
Mặt khác, theo Điều 7 Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định về sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự như sau:
Điều 7. Sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự
1. Trạm y tế cấp xã thực hiện sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm y tế cấp huyện hoặc Bệnh viện đa khoa cấp huyện; giám sát của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.
2. Nội dung sơ tuyển sức khỏe
a) Khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình;
b) Phát hiện những trường hợp không đủ sức khỏe về thể lực, dị tật, dị dạng quy định tại Mục I, Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; những bệnh thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự quy định tại Mục III Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Quy trình sơ tuyển sức khỏe
a) Căn cứ kế hoạch tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã lập danh sách và gọi khám sơ tuyển đối với công dân thuộc diện khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự trên địa bàn quản lý;
b) Tổ chức sơ tuyển sức khỏe theo quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Hoàn chỉnh thông tin sức khỏe của công dân được gọi khám sơ tuyển sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự theo Mẫu 2 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Lập danh sách công dân mắc các bệnh thuộc danh mục bệnh miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự theo Mục III Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, báo cáo Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã;
đ) Tổng hợp, thống kê, báo cáo kết quả sơ tuyển sức khỏe theo Mẫu 2a; Mẫu 2k Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
Như vậy, khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự 2025 là khám các nội dung như sau:
- Khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình.
- Phát hiện những trường hợp không đủ sức khỏe về thể lực, dị tật, dị dạng quy định tại Tiêu chuẩn phân loại thể lực Mục 1, Tiêu chuẩn phân loại bệnh tật và các vấn đề về sức khỏe Mục 2 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP
- Phát hiện những bệnh thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự quy định tại Danh mục các bệnh được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự Mục 3 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP.
Theo đó, khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự 2025 do trại trạm y tế xã thực hiện dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm y tế cấp huyện hoặc Bệnh viện đa khoa cấp huyện; giám sát của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.
Khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự 2025 là khám những gì? (Hình từ Internet)
Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện gồm những ai?
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 105/2023/TT-BQP, Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện bao gồm:
- Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Trung tâm Y tế cấp huyện hoặc Giám đốc bệnh viện đa khoa cấp huyện đảm nhiệm.
- Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Trung tâm Y tế cấp huyện hoặc Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa cấp huyện đảm nhiệm.
- Ủy viên Thường trực kiêm Thư ký Hội đồng là cán bộ tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về y tế cấp huyện đảm nhiệm.
- Các ủy viên là cán bộ, nhân viên thuộc các cơ quan, đơn vị gồm: Trung tâm Y tế cấp huyện, bệnh viện đa khoa cấp huyện (nếu có), cơ quan y tế cấp huyện, quân y Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và đại diện các đơn vị có liên quan; trường hợp cần thiết có thể tăng cường cán bộ, nhân viên y tế cấp tỉnh hoặc quân y Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh do Chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp tỉnh quyết định nguồn nhân lực.
- Thành viên Hội đồng đảm bảo đủ bộ phận, chuyên khoa theo quy định và phải có chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề phù hợp với nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Phương pháp phân loại sức khỏe được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 6 Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định phương pháp phân loại sức khỏe như sau:
[1] Phương pháp cho điểm: Mỗi chỉ tiêu, sau khi khám được cho điểm chẵn từ 1 - 6 vào cột “Điểm”, cụ thể:
- Điểm 1: Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt.
- Điểm 2: Chỉ tình trạng sức khỏe tốt.
- Điểm 3: Chỉ tình trạng sức khỏe khá.
- Điểm 4: Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình.
- Điểm 5: Chỉ tình trạng sức khỏe kém.
- Điểm 6: Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.
[2] Phương pháp phân loại sức khỏe: Căn cứ số điểm cho các chỉ tiêu khi khám để phân loại sức khỏe, cụ thể như sau:
- Loại 1: Tất cả các chỉ tiêu đều đạt điểm 1.
- Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2.
- Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3.
- Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4.
- Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5.
- Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiêu chuẩn xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng 2 lên hạng 1 Từ 15/01/2025?
- Mẫu Tờ khai thay đổi, bổ sung thông tin đăng ký sử dụng dịch vụ T-VAN mới nhất 2024?
- Mẫu thông báo về việc trừ điểm Giấy phép lái xe áp dụng từ 1/1/2025?
- Điều kiện để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất đối với tổ chức khi Nhà nước cho thuê đất?
- Biểu mẫu báo cáo định kỳ của tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu riêng lẻ mới nhất?