Việt Nam có bao nhiêu đô thị loại đặc biệt? Thang điểm phân loại đô thị loại đặc biệt với từng tiêu chí như thế nào?
Việt Nam có bao nhiêu đô thị loại đặc biệt?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13, tiêu chí xác định đô thị loại đặc biệt bao gồm:
- Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội:
+ Vị trí, chức năng, vai trò là Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
+ Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
- Quy mô dân số:
+ Toàn đô thị đạt từ 5.000.000 người trở lên.
+ Khu vực nội thành đạt từ 3.000.000 người trở lên.
- Mật độ dân số:
+ Toàn đô thị đạt từ 3.000 người/km2 trở lên.
+ Khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 12.000 người/km2 trở lên.
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp:
+ Toàn đô thị đạt từ 70% trở lên.
+ Khu vực nội thành đạt từ 90% trở lên.
- Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
Dựa trên các tiêu chí xác định đô thị loại đặc biệt, hiện nay Việt Nam có 02 thành phố được xếp vào đô thị loại đặc biệt gồm: Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội.
Việt Nam có bao nhiêu đô thị loại đặc biệt? Thang điểm phân loại đô thị loại đặc biệt với từng tiêu chí như thế nào? (Hình từ Internet)
Thang điểm phân loại đô thị loại đặc biệt với từng tiêu chí như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15, thang điểm phân loại đô thị loại đặc biệt tối đa là 100 điểm, trong đó điểm của mỗi tiêu chí như sau:
- Tiêu chí vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội gồm 08 tiêu chuẩn: đánh giá tối thiểu là 13,5 điểm, tối đa là 18 điểm.
- Tiêu chí quy mô dân số gồm 02 tiêu chuẩn là quy mô dân số toàn đô thị và quy mô dân số khu vực nội thành, nội thị: đánh giá tối thiểu là 6,0 điểm, tối đa là 8,0 điểm.
- Tiêu chí mật độ dân số gồm 02 tiêu chuẩn là mật độ dân số toàn đô thị và mật độ dân số tính trên diện tích đất xây dựng đô thị khu vực nội thành, nội thị, thị trấn: đánh giá tối thiểu là 6,0 điểm, tối đa là 8,0 điểm.
- Tiêu chí tỷ lệ lao động phi nông nghiệp gồm 02 tiêu chuẩn là tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành, nội thị: đánh giá tối thiểu là 4,5 điểm, tối đa là 6,0 điểm.
- Tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị gồm 49 tiêu chuẩn: đánh giá tối thiểu là 45 điểm, tối đa là 60 điểm.
Mục đích phân loại đô thị để làm gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15 quy định như sau:
Điều 2. Mục đích, nguyên tắc phân loại đô thị
1. Phân loại đô thị nhằm xác lập cơ sở đánh giá chất lượng đô thị; tổ chức, sắp xếp và quản lý, phát triển hệ thống đô thị, các khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị, thị trấn, khu vực dự kiến thành lập quận, phường; phản ánh đúng trình độ phát triển đô thị, đô thị hóa; làm căn cứ cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, hoạch định chính sách phát triển đô thị; thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng và điều kiện sống đô thị.
2. Phân loại đô thị được thực hiện trên cơ sở quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị các cấp để quản lý phát triển đô thị, bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.
[...]
Như vậy, mục đích phân loại đô thị để:
- Xác lập cơ sở đánh giá chất lượng đô thị.
- Tổ chức, sắp xếp và quản lý, phát triển hệ thống đô thị, các khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị, thị trấn, khu vực dự kiến thành lập quận, phường.
- Phản ánh đúng trình độ phát triển đô thị, đô thị hóa.
- Làm căn cứ cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, hoạch định chính sách phát triển đô thị.
- Thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng và điều kiện sống đô thị.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tháng 11 âm lịch 2024 có bao nhiêu ngày? Tháng 11 âm lịch 2024 bắt đầu ngày mấy dương?
- Hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý gồm những gì?
- Thời gian, kết cấu bài kiểm tra và kết quả kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật đạt yêu cầu để được phục hồi điểm giấy phép lái xe từ 01/01/2025?
- Bảng lương của Kiểm soát viên đê điều hiện nay là bao nhiêu?
- “ADMM+” là cơ chế hợp tác nào? Cơ quan tham gia hợp tác ASEAN có chế độ báo cáo như thế nào?