Chồng không chịu ký tên vào đơn ly hôn thì vợ có ly hôn được không?
Chồng không chịu ký tên vào đơn ly hôn thì vợ có ly hôn được không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền yêu cầu giải quyết đơn ly hôn như sau:
Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo đó, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Do đó, đơn phương ly hôn là việc nếu đối phương vợ hoặc chồng không đồng ý ký vào đơn ly hôn thì bên còn lại hoàn toàn có thể làm đơn ly hôn theo yêu cầu của một bên.
Như vậy, chồng không chịu ký tên vào đơn ly hôn thì vợ vẫn có thể tự mình thực hiện việc đơn phương chấm dứt hôn nhân cho Tòa án xử lý.
Chồng không chịu ký tên vào đơn ly hôn thì vợ có ly hôn được không? (Hình từ Internet)
Trong trường hợp chồng vắng mặt thì Tòa án có giải quyết ly hôn đơn phương không?
Căn cứ theo Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về xét xử trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự vắng mặt tại phiên tòa như sau:
Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:
- Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
- Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa.
- Các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cụ thể:
+ Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;
Nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
+ Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
+ Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;
+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;
+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.
Như vậy, từ những quy định trên, trong trường hợp ly hôn đơn phương nếu một bên vắng mặt mà có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành giải quyết ly hôn.
Ai được miễn án phí ly hôn?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án như sau:
Điều 12. Miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án
1. Những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:
[...]
đ) Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
[...]
Như vậy, đối tượng được miễn án phí ly hôn bao gồm:
- Trẻ em, cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
- Người cao tuổi.
- Người khuyết tật.
- Người có công với cách mạng.
- Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
- Thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Ly hôn có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tướng yêu cầu bảo đảm công chức viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán 2025?
- Vòng chung kết cuộc thi Festival Trạng nguyên Tiếng Anh 2025 diễn ra vào ngày nào?
- Đã có thông báo thu hồi đất, có được mua bán đất nữa không?
- Đơn đề nghị tập huấn cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe mới nhất hiện nay?
- Nút ấn báo cháy được lắp ở đâu? Mẫu tem kiểm định nút ấn báo cháy là mẫu nào?