Người bị tuyên bố mất tích trở về có được nhận lại tài sản không?
Khi nào một người bị tuyên bố mất tích?
Tại Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về tuyên bố mất tích như sau:
Điều 68. Tuyên bố mất tích
1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
2. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
3. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Như vậy, nếu biệt tích từ 02 năm liền trở lên thì sẽ được tuyên bố mất tích.
Lưu ý: Trong thời gian biệt tích phải được áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm.
- Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó.
Trường hợp không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng.
Trường hợp không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Người bị tuyên bố mất tích trở về có được nhận lại tài sản không? (Hình từ Internet)
Tài sản của người bị tuyên bố mất tích do ai quản lý?
Tại Điều 69 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích như sau:
Điều 69. Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích
Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này.
Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.
Như vậy, tài sản của người bị tuyên bố mất tích sẽ được quản lý như sau:
- Trường hợp theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án giao tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú cho người sau đây quản lý:
+ Đối với tài sản đã được người vắng mặt ủy quyền quản lý thì người được ủy quyền tiếp tục quản lý;
+ Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;
+ Đối với tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý.
- Trường hợp giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý;
+ Trường hợp không có những người trên thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý;
+ Trường hợp không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.
Người bị tuyên bố mất tích trở về có được nhận lại tài sản không?
Tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích như sau:
Điều 70. Hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích
1. Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.
2. Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý.
3. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.
4. Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Như vậy, người bị tuyên bố mất tích trở về thì sẽ được nhận lại tài sản của mình do người quản lý tài sản chuyển cho sau khi đã thanh toán các chi phí quản lý.
Bên cạnh đó, Tòa án sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích khi người bị tuyên bố mất tích hoặc người có quyền, lợi ích liên quan có yêu cầu.
Lưu ý: Đối với trường hợp sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực nào về việc người bị tuyên bố mất tích còn sống thì người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó đã chết.
Khi đó, tài sản của họ sẽ được giải quyết chia thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế.
(điểm a khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015, khoản 2 Điều 72 Bộ luật Dân sự 2015)
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?