Chi phí cử nhân viên đi công tác nước ngoài hoặc sang văn phòng đại diện tại nước ngoài làm việc có được trừ khi tính thuế TNDN không?
Chi phí cử nhân viên đi công tác nước ngoài hoặc sang văn phòng đại diện tại nước ngoài làm việc có được trừ khi tính thuế TNDN không?
Tại Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC có quy định chi phí cử nhân viên đi công tác nước ngoài được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:
Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
[...]
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
[…]
2.9. Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp.
Trường hợp doanh nghiệp cử người lao động đi công tác (bao gồm công tác trong nước và công tác nước ngoài) nếu có phát sinh chi phí từ 20 triệu đồng trở lên, chi phí mua vé máy bay mà các khoản chi phí này được thanh toán bằng thẻ ngân hàng của cá nhân thì đủ điều kiện là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và tính vào chi phí được trừ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có hóa đơn, chứng từ phù hợp do người cung cấp hàng hóa, dịch vụ giao xuất.
- Doanh nghiệp có quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác.
- Quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp cho phép người lao động được phép thanh toán khoản công tác phí, mua vé máy bay bằng thẻ ngân hàng do cá nhân là chủ thẻ và khoản chi này sau đó được doanh nghiệp thanh toán lại cho người lao động.
[...]
Tại Công văn 70613/CT-TTHT năm 2017 có hướng dẫn về chi phí cử nhân viên đi công tác nước ngoài như sau:
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty cử nhân viên đi công tác nước ngoài hoặc cử nhân viên sang văn phòng đại diện tại nước ngoài làm việc thì:
- Đối với khoản tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp, trợ cấp (trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp quy định tại Tiết b, Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC nêu trên) mà người lao động sang nước ngoài làm việc nhận được được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.
- Trường hợp người lao động của Công ty được cử đi công tác ở nước ngoài để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, có phát sinh chi phí đi công tác nước ngoài như chi phí đi lại, tiền thuê nhà nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 (tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung) thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
- Trường hợp Công ty có phát sinh các chi phí liên quan đến văn phòng đại diện tại nước ngoài thì các khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC nêu trên (tại Khoản 2.9 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung).
Đối với các chi phí phát sinh tại nước ngoài thì các hóa đơn chứng từ của các khoản chi phí này phải phù hợp với quy định của nước sở tại và phải được dịch ra tiếng Việt theo hướng dẫn tại Khoản 4 Điều 5 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính.
Như vậy, chi phí cử nhân viên đi công tác nước ngoài hoặc sang văn phòng đại diện tại nước ngoài làm việc được xác định như sau:
(1) Trường hợp công ty cử nhân viên đi công tác ở nước ngoài để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và có các chi phí như: chi phí đi lại, tiền thuê nhà thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu đáp ứng điều kiện sau:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp;
- Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
(2) Trường hợp Công ty có phát sinh các chi phí liên quan đến văn phòng đại diện tại nước ngoài thì các khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu đáp ứng các điều kiện tại khoản 2.9 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC)
Đối với các chi phí phát sinh tại nước ngoài thì các hóa đơn chứng từ của các khoản chi phí này phải phù hợp với quy định của nước sở tại và phải được dịch ra tiếng Việt theo quy định tại Điều 85 Thông tư 80/2021/TT-BTC).
Chi phí cử nhân viên đi công tác nước ngoài hoặc sang văn phòng đại diện tại nước ngoài làm việc có được trừ khi tính thuế TNDN không? (Hình từ Internet)
Căn cứ tính thuế TNDN là gì?
Tại Điều 5 Nghị định 218/2013/NĐ-CP có quy định tính thuế TNDN được dựa trên thu nhập tính thuế trong kỳ và thuế suất.
Điều 5. Căn cứ tính thuế
Căn cứ tính thuế là thu nhập tính thuế trong kỳ và thuế suất.
Kỳ tính thuế thực hiện theo quy định tại Điều 5 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và quy định của pháp luật quản lý thuế.
Doanh nghiệp được lựa chọn kỳ tính thuế theo năm dương lịch hoặc năm tài chính nhưng phải thông báo với cơ quan thuế trước khi thực hiện.
Như vậy, căn cứ tính thuế TNDN là:
- Thu nhập tính thuế trong kỳ;
- Thuế suất.
Thu nhập nào phải chịu thuế TNDN năm 2024?
Tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Luật về thuế 2014 có quy định thu nhập phải chịu thuế TNDN năm 2024 bao gồm:
- Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
- Thu nhập khác bao gồm:
+ Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn;
+ Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản;
+ Thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá;
+ Thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ;
+ Khoản thu từ nợ khó đòi đã xoá nay đòi được;
+ Khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ;
+ Khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác.
Lưu ý: Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài của doanh nghiệp về Việt Nam thì đối với các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định;
Đối với các nước mà Việt Nam chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước mà doanh nghiệp chuyển về có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Lỗi dừng đèn đỏ quá vạch 2025 đối với xe máy bị phạt bao nhiêu?
- Những món ăn phổ biến vào ngày tết Nguyên đán? Công tác an toàn thực phẩm đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 triển khai như thế nào?
- Giao thừa 2025 lúc mấy giờ? Giao thừa 2025 có bắn pháo hoa không?
- Ngày 2 tháng 2 năm 2025 là mùng mấy Tết 2025?