Thành lập thôn mới có phải thông qua Ủy ban thường vụ quốc hội hay không?

Thành lập thôn mới có phải thông qua Ủy ban thường vụ quốc hội hay không? Việc thành lập thôn cần đáp ứng điều kiện gì? Tổ chức và hoạt động của thôn cần phải đảm bảo nguyên tắc nào?

Thành lập thôn mới có phải thông qua Ủy ban thường vụ quốc hội hay không?

Theo Điều 129 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 sửa đổi bởi khoản 5 Điều 245 Luật Đất đai 2024 quy định về thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính như sau:

Điều 129. Thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính
1. Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
3. Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 2 Thông tư 04/2012/TT-BNV có quy định như sau:

Điều 2. Thôn, tổ dân phố
....
3. Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn (xã, phường, thị trấn sau đây gọi chung là cấp xã); nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.

Mặt khác, theo khoản 6 Điều 8 Thông tư 04/2012/TT-BNV sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV; sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 05/2022/TT-BNV quy định về quy trình và hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới như sau:

Điều 8. Quy trình và hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới
....
3. Đề án thành lập thôn mới, tổ dân phố mới nếu được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thành lập thôn mới, tổ dân phố mới tán thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ (kèm theo biên bản lấy ý kiến cử tri) trình Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua tại kỳ họp gần nhất. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã,
....
6. Căn cứ hồ sơ trình của Ủy ban nhân dân cấp huyện và kết quả thẩm định của Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét ban hành Nghị quyết thành lập thôn mới, tổ dân phố mới

Theo đó, thôn không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong khu vực cấp xã.

Mặt khác, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đìnhtrong khu vực thành lập thôn mới về Đề án thành lập thôn mới. Đề án thành lập thôn mới được Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, Ủy ban nhân dân cấp huyện có Tờ trìnhkèm hồ sơ thành lập thôn mới gửi Sở Nội vụ để thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét ban hành Nghị quyết thành lập thôn mới, tổ dân phố mới căn cứ theo hồ sơ trình của Ủy ban nhân dân cấp huyện và kết quả thẩm định của Sở Nội vụ.

Chính vì vậy, việc thành lập thôn mới không cần phải thông qua Ủy ban thường vụ quốc hội mà sẽ được thông qua bởi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Thành lập thôn mới có phải thông qua Ủy ban thường vụ quốc hội hay không?

Thành lập thôn mới có phải thông qua Ủy ban thường vụ quốc hội hay không? (Hình từ Internet)

Việc thành lập thôn cần đáp ứng điều kiện gì?

Theo quy định Điều 7 Thông tư 04/2012/TT-BNV sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV, việc thành lập thôn mới cần đáp ứng điều kiện như sau:

[1] Trong trường hợp do khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền cấp xã, tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố yêu cầu phải thành lập thôn mới thì việc thành lập thôn mới mới phải đạt các điều kiện sau:

*Quy mô số hộ gia đình: Đối với thôn ở xã:

- Thôn ở xã thuộc các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có từ 150 hộ gia đình trở lên.

- Thôn ở xã thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Hồng có từ 300 hộ gia đình trở lên.

- Thôn ở xã thuộc các tỉnh miền Trung có từ 250 hộ gia đình trở lên.

- Thôn ở xã thuộc các tỉnh miền Nam có từ 350 hộ gia đình trở lên.

- Thôn ở xã thuộc các tỉnh Tây Nguyên có từ 200 hộ gia đình trở lên.

- Thôn ở xã biên giới, xã đảo; thôn ở huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã có từ 100 hộ gia đình trở lên.

*Các điều kiện khác: Cần có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân.

[2] Đối với các trường hợp đặc thù:

- Thôn nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch giãn dân, thôn hình thành do di dân ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, thôn nằm ở nơi có địa hình bị chia cắt phức tạp, thôn nằm biệt lập trên các đảo; thôn ở cù lao, cồn trên sông; thôn có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn thì quy mô thôn có từ 50 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 100 hộ gia đình trở lên.

- Trường hợp ở khu vực biên giới, hải đảo cách xa đất liền, do việc di dân hoặc để bảo vệ đường biên giới, chủ quyền biển đảo thì việc thành lập thôn không áp dụng quy định về quy mô số hộ gia đình quy định tại nội dung [1]

- Thôn đã hình thành từ lâu do xâm canh, xâm cư cần thiết phải chuyển giao quản lý giữa các đơn vị hành chính cấp xã để thuận tiện trong hoạt động và sinh hoạt của cộng đồng dân cư mà không làm thay đổi đường địa giới hành chính cấp xã thì thực hiện giải thể và thành lập mới thôn theo quy định. Trường hợp không đạt quy mô về số hộ gia đình thì thực hiện ghép cụm dân cư theo quy định tại Điều 9 Thông tư 04/2012/TT-BNV.

Tổ chức và hoạt động của thôn cần phải đảm bảo nguyên tắc nào?

Căn cứ tại Điều 3 Thông tư 04/2012/TT-BNV sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV, việc tổ chức và hoạt động của thôn cần phải đảm bảo nguyên tắc như sau:

- Bảo đảm tính tự quản của cộng đồng dân cư, chấp hành sự quản lý nhà nước trực tiếp của chính quyền cấp xã và sự lãnh đạo của cấp ủy đảng.

- Tuân thủ pháp luật, thực hiện theo hương ước (quy ước); đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.

- Không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định; thực hiện sáp nhập các thôn, tổ dân phố phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng địa phương.

- Trường hợp do quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch giãn dân, do di dân ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa hoặc nơi có địa hình bị chia cắt phức tạp, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn thì điều kiện thành lập thôn, tổ dân phố mới có thể thấp hơn quy định.

Trong trường hợp cộng đồng dân cư mới hình thành không đủ điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới thì ghép vào thôn, tổ dân phố liền kề.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Dương Thanh Trúc
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào