Các yếu tố nào cấu thành tội vu khống theo quy định của pháp luật hình sự?
Các yếu tố nào cấu thành tội vu khống theo quy định của pháp luật hình sự?
Vu khống là hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều mà người thực hiện biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Tội vu khống là một tội độc lập thuộc một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Các yếu tố cấu thành tội vu khống được quy định như sau:
[1] Chủ thể
Căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự tội vu khống là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Cụ thể như sau:
- Về độ tuổi: Người phạm tội phải đủ 16 tuổi trở lên vì tội này không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015.
- Về năng lực trách nhiệm hình sự: Người phạm tội phải có năng lực trách nhiệm hình sự.
[2] Chủ quan
Mặt chủ quan tội vu khống là hành vi phạm tội được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội vu khống nhận thức rõ hành vi của mình là bịa đặt, sai sự thật; biết rằng hành vi đó nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại cho người khác nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó.
[3] Khách quan
Mặt khách quan của tội vu khống là hành vi xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Cụ thể như sau:
- Hành vi bịa đặt hoặc loan truyền là hành vi tự tạo ra thông tin không đúng sự thật hoặc hành vi truyền bá thông tin sai sự thật cho người khác biết.
- Hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác nhằm gây tổn hại đến uy tín, giá trị đạo đức, phẩm chất của người khác, ảnh hưởng đến các quyền lợi mà pháp luật bảo vệ.
[4] Khách thể
Mặt khách thể tội vu khống là hành vi của người phạm tội xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân.
Các yếu tố nào cấu thành tội vu khống theo quy định của pháp luật hình sự? (Hình từ Internet)
Tội vu khống bị phạt bao nhiêu năm tù?
Căn cứ Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội vu khống:
Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
...
Như vậy, người nào có một trong các hình vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội vu khống:
- Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác
- Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền
Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Người có hành vi vu khống người khác bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng:
Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
...
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này;
...
14. Biện pháp khắc phục hậu quả:
...
b) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 và điểm i khoản 4 Điều này;
c) Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, các điểm d và đ khoản 5 Điều này trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu;
...
Như vậy, người nào có hành vi vu khống người khác nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000.
Người vi phạm phải cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn và buộc xin lỗi công khai người bị vu khống.
Trường hợp vu khống nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ thì bị phạt tiền từ 4 triệu đến 10 triệu.
Trường hợp vu khống nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên của gia đình thì tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt của cá nhân. (Quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra hình sự Công an cấp huyện như thế nào?
- Tín hiệu bằng tay khi qua đường là gì? Không vẫy tay khi sang đường có bị phạt không?
- Tải Mẫu 41/UQ-ĐKT Mẫu Giấy uỷ quyền đăng ký thuế từ ngày 06/2/2025?
- Cách gói bánh tét dịp tết Nguyên đán? Người lao động chính thức nghỉ tết Nguyên đán 2025 vào mùng mấy?