Thời gian gia hạn điều tra vụ án hình sự tối đa là bao lâu?
Thời gian gia hạn điều tra vụ án hình sự tối đa là bao lâu?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
Điều 172. Thời hạn điều tra
1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
2. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.
Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
...
Theo đó, thời gian tối đa được phép gia hạn điều tra vụ án hình sự là:
- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng: được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng.
- Đối với tội phạm nghiêm trọng: được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng.
- Đối với tội phạm rất nghiêm trọng: được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
- Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
Thời gian gia hạn điều tra vụ án hình sự tối đa là bao lâu? (Hình từ Internet)
Cơ quan điều tra của Công an nhân dân có được điều tra tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
Điều 163. Thẩm quyền điều tra
1. Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
3. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
Như vậy, cơ quan điều tra của Công an nhân dân sẽ không có thẩm quyền điều tra tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.
Cơ quan điều tra gửi quyết định ủy thác điều tra cho ai khi cần ủy thác điều tra?
Căn cứ theo khoản khoản 1 Điều 171 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
Điều 171. Ủy thác điều tra
1. Khi cần thiết, Cơ quan điều tra ủy thác cho Cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra. Quyết định ủy thác điều tra phải ghi rõ yêu cầu và gửi cho Cơ quan điều tra được ủy thác, Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác.
2. Cơ quan điều tra được ủy thác phải thực hiện đầy đủ những việc được ủy thác trong thời hạn mà Cơ quan điều tra ủy thác yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện ủy thác điều tra. Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác thì phải có ngay văn bản nêu rõ lý do gửi Cơ quan điều tra đã ủy thác.
3. Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiến hành hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra được ủy thác và phải chuyển ngay kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát việc ủy thác điều tra cho Viện kiểm sát đã ủy thác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
Theo quy định này, trong trường hợp xét thấy cần thiết, cơ quan điều tra phải gửi quyết định ủy thác điều tra cho Cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra.
Trong đó, quyết định ủy thác điều tra phải ghi rõ yêu cầu và gửi cho Cơ quan điều tra được ủy thác, Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu kịch bản Year End Party mới nhất 2025? Người lao động nghỉ tết nguyên đán 2025 bao nhiêu ngày?
- Lịch học học kì 2 năm học 2024 2025 của học sinh 63 tỉnh thành?
- Quyết định 71/2024/QĐ-UBND Hà Nội sửa đổi bảng giá đất mới nhất?
- Điểm bắn pháo hoa Tết dương lịch 2025 Hà Hội ở đâu?
- Dự kiến các phòng thuộc UBND cấp huyện được hợp nhất theo Công văn 24?