Có được sử dụng tiêu chí xuất xứ hàng hóa để đánh giá hồ sơ mời thầu hay không?
Có được sử dụng tiêu chí xuất xứ hàng hóa để đánh giá hồ sơ mời thầu hay không?
Căn cứ theo điểm i khoản 6 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu như sau:
Điều 16. Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu
....
6. Không bảo đảm công bằng, minh bạch bao gồm các hành vi sau đây:
.....
i) Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 56 của Luật này;
....
Mặt khác, theo khoản 2 Điều 44 Luật Đấu thầu 2023 quy định về nội dung hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà thầu cụ thể như:
Điều 44. Nội dung hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà thầu
....
2. Hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ. Trường hợp gói thầu thuộc quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 và đáp ứng đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này nhưng người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu thì hồ sơ mời thầu được quy định về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa.
.....
Căn cứ tại khoản 9 Điều 24 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về lập hồ sơ mời thầu cụ thể như sau:
Điều 24. Lập hồ sơ mời thầu
.....
9. Quy định về nhãn hiệu, xuất xứ của hàng hóa:
a) Trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 56 của Luật Đấu thầu, hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa;
b) Đối với nội dung quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Đấu thầu, trường hợp hồ sơ mời thầu có quy định về xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ mà không bao gồm xuất xứ Việt Nam thì hàng hóa xuất xứ việt Nam vẫn được xem xét, đánh giá;
....
Thông qua các quy định trên, việc nếu xuất xứ hàng hóa cụ thể đối với hồ sơ mời thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh là hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu. Chính vì vậy, không được sử dụng tiêu chí xuất xứ hàng hóa để đánh giá hồ sơ mời thầu.
Tuy nhiên, đối với một số gói thầu dưới đây hồ sơ mời thầu được quyền nêu yêu cầu về xuất xứ hàng hóa và được sử dụng tiêu chí này để đánh giá hồ sơ mời thầu, cụ thể như:
[1] Gói thầu mua sắm hàng hóa tổ chức đấu thầu trong nước mà có ít nhất 03 hãng sản xuất cho 01 mặt hàng xuất xứ trong nước đáp ứng về kỹ thuật, chất lượng, giá.
[2] Các gói thầu dưới đây đáp ứng đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu nhưng người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu, gồm:
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do cần bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác.
- Gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó hoặc từ hãng sản xuất, đại lý của hãng sản xuất do cần bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền với các trang thiết bị, máy móc, phần mềm, dịch vụ sẵn có hoặc do các điều kiện bảo hành của nhà thầu, hãng sản xuất mà không thể mua được từ nhà thầu khác, hãng sản xuất khác
[3] Gói thầu mua thuốc trong đó loại thuốc được Bộ Y tế công bố có ít nhất 03 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp.
*Lưu ý: Việc đánh giá tiêu chí xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu phải đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Điều 27 Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
Có được sử dụng tiêu chí xuất xứ hàng hóa để đánh giá hồ sơ mời thầu hay không? (Hình từ Internet)
Hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà thầu bao gồm những gì?
Theo Điều 44 Luật Đấu thầu 2023, hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà thầu bao gồm:
- Chỉ dẫn nhà thầu, tùy chọn mua thêm (nếu có).
- Bảng dữ liệu đấu thầu.
- Tiêu chuẩn đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; kỹ thuật; tài chính, thương mại; uy tín của nhà thầu thông qua việc tham dự thầu, thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và chất lượng hàng hóa tương tự đã sử dụng.
Trường hợp sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt, hồ sơ mời thầu phải nêu rõ phạm vi công việc và yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt;
- Biểu mẫu mời thầu và dự thầu.
- Phạm vi cung cấp, yêu cầu về kỹ thuật, điều khoản tham chiếu.
- Điều kiện và biểu mẫu hợp đồng.
- Các hồ sơ, bản vẽ và nội dung khác (nếu có).
Hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư có gì?
Căn cứ tại Điều 48 Luật Đấu thầu 2023, hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư có các nội dung sau:
- Chỉ dẫn nhà đầu tư.
- Bảng dữ liệu đấu thầu.
- Nội dung kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu.
- Phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; phương án đầu tư kinh doanh; hiệu quả sử dụng đất hoặc hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.
- Biểu mẫu mời thầu và dự thầu.
- Thông tin và yêu cầu thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
- Dự thảo hợp đồng, biểu mẫu hợp đồng.
- Nội dung khác có liên quan.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 02 trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang của Cảnh sát giao thông từ 01/01/2025?
- Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam từ 2025?
- Phiếu bầu cử trong Đảng được xem là không hợp lệ khi nào? Thời hạn lưu trữ phiếu bầu cử là bao lâu?
- CSR là viết tắt của từ gì? Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp gồm gì?
- Mẫu Báo cáo chính trị Đại hội chi bộ khu dân cư mới nhất hiện nay?