Hướng dẫn cách tra cứu hồ sơ quyết toán thuế đã nộp qua ứng dụng Etax Mobile? Chậm nộp quyết toán thuế sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Xin cho tôi hỏi: Làm thế nào để sử dụng ứng dụng Etax Mobile để tra cứu các hồ sơ quyết toán thuế đã nộp trên thuế điện tử (Câu hỏi từ chị Bình - Đồng Nai).

Hướng dẫn cách tra cứu hồ sơ quyết toán thuế đã nộp qua ứng dụng Etax Mobile?

Tính năng tra cứu hồ sơ quyết toán thuế đã nộp trên ứng dụng Etax Mobile cho phép người nộp thuế là cá nhân tra cứu hồ sơ quyết toán thuế đã nộp trên hệ thống Thuế điện tử.

Việc tra cứu hồ sơ quyết toán thuế đã nộp qua ứng dụng Etax Mobile được thực hiện như sau:

Bước 1: Tải và truy cập ứng dụng Etax Mobile trên điện thoại, ipad,..

Bước 2: Đăng nhập ứng dụng Etax Mobile thông qua tài khoản thuế điện tử hoặc tài khoản định danh điện tử VNeID cấp 2.

Bước 3: Tại giao diện trang chủ, lướt xuống mục "Tra cứu hồ sơ" và chọn "Hồ sơ quyết toán thuế"

Bước 4: Chọn loại tờ khai muốn tra cứu và khoảng thời gian cần tra cứu.

Lưu ý: Hiện nay, ứng dụng Etax Mobile chỉ cho phép tra cứu hồ sơ quyết toán thuế trong vòng 02 năm.

Bước 5: Màn hình sẽ hiển thị danh sách hồ sơ quyết toán thuế đã nộp, chọn loại hồ sơ muốn xem thông tin để xem thông tin tờ khai.

Bước 6: Chọn "Chi tiết" để xem thông tin chi tiết hồ sơ quyết toán thuế đã nộp.

Lưu ý: Nội dung hướng dẫn trên chỉ mang tính chất tham khảo.

Hướng dẫn cách tra cứu hồ sơ quyết toán thuế đã nộp qua ứng dụng Etax Mobile?

Hướng dẫn cách tra cứu hồ sơ quyết toán thuế đã nộp qua ứng dụng Etax Mobile? Chậm nộp quyết toán thuế sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)

Đối tượng nào phải trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2024?

Căn cứ điểm d khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Theo đó, các đối tượng sau phải trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2024, bao gồm:

- Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên không đáp ứng điều kiện được ủy quyền quyết toán mà có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

- Cá nhân có mặt tại Việt Nam tính trong năm dương lịch đầu tiên dưới 183 ngày, nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên thì năm quyết toán đầu tiên là 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

- Cá nhân là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam khai quyết toán thuế với cơ quan thuế trước khi xuất cảnh:

+ Trường hợp cá nhân chưa làm thủ tục quyết toán thuế với cơ quan thuế thì thực hiện ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác quyết toán thuế theo quy định.

+ Trường hợp tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác nhận ủy quyền quyết toán thì phải chịu trách nhiệm về số thuế thu nhập cá nhân phải nộp thêm hoặc được hoàn trả số thuế nộp thừa của cá nhân.

- Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công được trả từ nước ngoài và cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công được trả từ các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán chưa khấu trừ thuế trong năm có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

- Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công đồng thời thuộc diện xét giảm thuế do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế.

Chậm nộp quyết toán thuế sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về chậm nộp quyết toán thuế như sau:

Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.
Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;
b) Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều này.

Ngoài ra, căn cứ khoản 5 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
...
5. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ mức phạt tiền đối với hành vi quy định tại Điều 16, Điều 17Điều 18 Nghị định này.

Bên cạnh đó, căn cứ điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc áp dụng mức phạt vi phạm hành chính như sau:

Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền khi xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
...
4. Nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền
a) Mức phạt tiền quy định tại Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, khoản 1, 2 Điều 19 và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.
Đối với người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.
...

Như vậy, người có hành vi chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành với hình thức phạt cảnh cáo nếu quá thời hạn nộp từ 01 đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

Trong trường hợp, quá thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế từ 01 ngày trở lên thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng theo quy định.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm buộc phải nộp lại đủ số tiền chậm nộp và nộp hồ sơ quyết toán thuế theo đúng quy định.

Lưu ý, mức phạt kể trên áp dụng đối với hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện. Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 lần mức phạt tiền đối với tổ chức.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Trần Thị Ngọc Huyền
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào