Quy định về chính tả tiếng Việt trong sách giáo khoa mới nhất 2024?
- Trong sách giáo khoa, dấu thanh được đặt như thế nào?
- Nguyên tắc viết âm i sau phụ âm đầu trong các âm tiết không có âm đệm và âm cuối trong sách giáo khoa là gì?
- Ngày, tháng, năm được viết tắt theo quy định nào?
- Viết số thập phân dùng dấu phẩy hay dấu chấm để ngăn cách?
- Cách viết thuật ngữ theo Quyết định 1989/QĐ-BGDĐT năm 2018 là gì?
Trong sách giáo khoa, dấu thanh được đặt như thế nào?
Tại Điều 8 Quy định về chính tả trong Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định 1989/QĐ-BGDĐT năm 2018 có quy định về cách đặt dấu thanh trong sách giáo khoa như sau:
- Trường hợp âm chính của âm tiết được ghi bằng một chữ cái, dấu thanh được đặt trên hoặc dưới chữ cái ghi âm chính của mỗi âm tiết, ví dụ: mái nhà, hoà nhạc, quý hoá, thuỷ thủ, mạnh khoẻ, trí tuệ,...
- Trường hợp âm chính của âm tiết được ghi bằng hai chữ cái
+ Đối với các kí hiệu ia, ua, ưa, dấu thanh đặt trên hoặc dưới chữ cái thứ nhất, ví dụ: bìa, lụa, lửa,...
+ Đối với các kí hiệu iê, yê, uô, uơ, dấu thanh đặt trên hoặc dưới chữ cái thứ hai, ví dụ: biển, thuyền, nhuộm, được,...
Quy định về chính tả tiếng Việt trong sách giáo khoa mới nhất? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc viết âm i sau phụ âm đầu trong các âm tiết không có âm đệm và âm cuối trong sách giáo khoa là gì?
Tại Điều 9 Quy định về chính tả trong Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định 1989/QĐ-BGDĐT năm 2018 có quy định cách viết âm i sau phụ âm đầu trong các âm tiết không có âm đệm và âm cuối trong sách giáo khoa như sau:
Điều 9. Cách viết âm i sau phụ âm đầu trong các âm tiết không có âm đệm và âm cuối
1. Trường hợp âm i đứng ngay sau phụ âm đầu thì được viết bằng chữ i, ví dụ: hi vọng, kỉ niệm, lí luận, mĩ thuật, bác sĩ, tỉ lệ,...
2. Trường hợp âm tiết chứa âm i là tên riêng thì viết theo đúng tên riêng đó, ví dụ: bản Vy, Vi Văn Định, Nguyễn Vỹ, Thy Ngọc,...
Như vậy, âm i sẽ được viết theo nguyên tắc sau:
- Nếu âm i đứng ngay sau phụ âm đầu thì được viết bằng chữ i;
- Nếu âm tiết chứa âm i là tên riêng thì viết theo đúng tên riêng đó.
Ngày, tháng, năm được viết tắt theo quy định nào?
Tại Điều 10 Quy định về chính tả trong Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định 1989/QĐ-BGDĐT năm 2018 có quy định ngày, tháng, năm được viết tắt theo cách sau:
- Trường hợp viết ngày, tháng, năm mà không sử dụng các từ tháng, năm thì thay các từ tháng, năm bằng dấu gạch nối và viết dấu này liền với chữ số, ví dụ: ngày 20-11-2017.
- Trong bài viết và tài liệu tham khảo, có thể thay các từ tháng, năm bằng dấu gạch xiên và viết dấu này liền với chữ số, ví dụ: ngày 20/11/2017;
Nhưng mỗi bài viết và tài liệu phải sử dụng một cách viết thống nhất.
Dấu gạch xiên cũng được sử dụng thay các từ tháng, năm trong trường hợp dấu gạch nối đã được sử dụng thay cho từ đến để chỉ khoảng thời gian từ thời điểm này đến thời điểm khác, ví dụ: 15/10/2017 - 20/11/2017.
Viết số thập phân dùng dấu phẩy hay dấu chấm để ngăn cách?
Tại Điều 11 Quy định về chính tả trong Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định 1989/QĐ-BGDĐT năm 2018 có quy định cách viết số thập phân và số có nhiều chữ số như sau:
Điều 11. Cách viết số thập phân và số có nhiều chữ số
1. Khi viết các số thập phân, sử dụng dấu phẩy để ngăn cách giữa phần nguyên và phần thập phân, ví dụ: 3,8; 5,21; 10,43,...
2. Khi viết số có nhiều chữ số, viết theo nguyên tắc tách lớp từ phải qua trái, mỗi lớp gồm ba chữ số, được phân cách ra bằng khoảng cách viết một chữ số, ví dụ: 1 000; 34 456; 3 809 008; 1 234 567;
Như vậy, khi viết số thập phân sẽ không dùng dấu chấm mà dùng dấu phẩy để ngăn cách phần nguyên với phần thập phân.
Cách viết thuật ngữ theo Quyết định 1989/QĐ-BGDĐT năm 2018 là gì?
Thuật ngữ sẽ được viết theo quy định sau:
(1) Đối với thuật ngữ bằng tiếng Việt (Điều 6 Quy định về chính tả trong Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định 1989/QĐ-BGDĐT năm 2018)
- Trường hợp tiếng Việt đã có sẵn thuật ngữ tương ứng với thuật ngữ tiếng nước ngoài hoặc việc dịch thuật ngữ sang tiếng Việt bảo đảm dễ hiểu thì sử dụng thuật ngữ tiếng Việt, ví dụ: tam giác, tam giác đều, tam giác cân; sắt, đồng, chì, bạc, vàng; khuếch tán, thăng hoa, ngưng tụ, kết tủa,...
- Đối với những thuật ngữ có khả năng tạo thành nhiều thuật ngữ cùng gốc hoặc thuật ngữ dẫn chiếu đến các kí hiệu, công thức thông dụng, nếu sử dụng thuật ngữ tiếng Việt thì cần chú thích thuật ngữ tiếng nước ngoài trong ngoặc đơn để bảo đảm kết nối với các kí hiệu, công thức và các thuật ngữ khác cùng từ gốc. Ví dụ, bên cạnh thuật ngữ đồng, cần chú thích thuật ngữ cuprum (tiếng Latin), copper (tiếng Anh) để kết nối với kí hiệu Cu và với các thuật ngữ liên quan như: copperhydroxide, coppersulfat, copperoxide,...
(2) Đối với nguyên dạng thuật ngữ nước ngoài (Điều 7 Quy định về chính tả trong Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định 1989/QĐ-BGDĐT năm 2018)
Đối với các thuật ngữ có khả năng tạo thành nhiều thuật ngữ cùng gốc, đặc biệt là tên các nguyên tố hóa học, chất, hợp chất, chi tiết kĩ thuật,... hoặc thuật ngữ dẫn chiếu đến các kí hiệu, công thức thông dụng thì viết nguyên dạng tiếng Anh hoặc viết theo ngôn ngữ thông dụng trong ngành khoa học tương ứng. Ví dụ:
- Không phiên âm hydrogen thành hyđrô, hiđrô, hy-đrô, hi-đrô, mà viết nguyên dạng tiếng Anh để kết nối với các thuật ngữ liên quan, ví dụ hydrocarbon, hydrogen chloride, hydrochloric acid,...
- Không phiên âm concerto thành công-xéc-tô mà viết nguyên dạng tiếng Italia để kết nối với các thuật ngữ concertino, concerto grosso,...
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tháng 11 dương lịch là tháng mấy âm lịch 2024? Dương lịch Tháng 11 2024 có bao nhiêu ngày?
- Tải Phụ lục Nghị định 15 2021 file word cập nhật mới nhất 2024?
- Ủy ban nhân dân có viết hoa không? Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân huyện như thế nào?
- Dịch vụ công tác xã hội cung cấp các dịch vụ chăm sóc, can thiệp, phục hồi và hỗ trợ phát triển gồm những dịch vụ nào?
- Công chức có được là thành viên của quỹ tín dụng nhân dân khi làm việc trên cùng địa bàn hoạt động của quỹ TDND không?