Vỡ hụi là gì? Chủ hụi có phải chịu trách nhiệm dân sự khi bị vỡ hụi hay không?
Vỡ hụi là gì?
Chơi hụi (họ) không còn là một vấn đề xa lạ trong đời sống hiện nay, đặc biệt là đối với những người kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, vấn đề này cũng tồn tại không ít những hạn chế khi có một số người lợi dụng việc chơi hụi (họ) để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về họ, hụi, biêu, phường như sau:
Họ, hụi, biêu, phường
1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.
4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm vỡ hụi là gì. Tuy nhiện, có thể hiểu đơn giản vỡ hụi, bể hụi là khi chủ hụi đã thu hụi của các con hụi, đến kỳ mở hụi mà không chi trả cho người được hốt hụi thì được coi là bể hụi. Nếu đến kỳ mở hụi mà không tìm ra chủ hụi là được coi là giật hụi.
Vỡ hụi là gì? Chủ hụi có phải chịu trách nhiệm dân sự khi bị vỡ hụi hay không? (Hình từ Internet)
Chủ hụi có phải chịu trách nhiệm dân sự khi bị vỡ hụi hay không?
Căn cứ tại Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ như sau:
Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
Trong việc chơi hụi, việc vi phạm nghĩa vụ được hiểu là khi đến thời hạn xoay vòng người được hốt hụi lấy tiền mà chủ hụi là người đang nắm giữ tiền của mọi người không thực hiện việc đưa tiền cho người hốt hụi đó.
Theo đó, đối với bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ như hai bên đã cam kết thỏa thuận thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền lợi theo đúng cam kết đó.
Tuy nhiên, trường hợp loại trừ trách nhiệm nếu như chủ hụi do gặp sự cố bất khả kháng mà không thể thanh toán tiền cho người được hốt hụi, khi đó người chủ hụi sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự; ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, chủ hụi sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự khi bị vỡ hụi. tuy nhiên, trường hợp loại trừ trách nhiệm nếu như chủ hụi do gặp sự cố bất khả kháng mà không thể thanh toán tiền cho người được hốt hụi, khi đó người chủ hụi sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự; ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Đồng thời, bên có nghĩa vụ sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu như có vấn đề lỗi xảy ra và lỗi này hoàn toàn xuất phát từ bên có quyền lợi.
Chủ hụi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có phải chịu trách nhiệm hình sự?
Căn cứ Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
....
Như vậy, nếu như sau khi bị vỡ hụi, chủ hụi có hành vi bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm thanh toán còn có thể bị quy về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 12 năm.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; đồng thời cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Gợi ý quà Tết Nguyên đán cho người lao động năm 2025? Có được tạm ứng tiền lương trước Tết Nguyên đán 2025 hay không?
- Hạn chót nộp bài dự thi Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 54 năm 2025?
- Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5/1941) đã quyết định thành lập tổ chức nào?
- 2025 có những ngày lễ gì? Tổng hợp Các ngày lễ trong năm 2025 theo Dương lịch và Âm lịch chi tiết?
- Lịch thi TOEFL Junior Challenge năm học 2024 2025 tỉnh Hải Dương?