Có cách nào để biết mình có bao nhiêu tài khoản, thẻ ngân hàng không?
Có cách nào để biết mình có bao nhiêu tài khoản, thẻ ngân hàng không?
Hiện nay, để biết mình có bao nhiêu tài khoản, thẻ ngân hàng, khách hàng của ngân hàng chỉ có thể liên hệ với từng ngân hàng mà mình đã mở thẻ ngân hàng hoặc nghi ngờ mình đã mở thẻ để xác nhận thông tin.
Theo đó, khách hàng có thể liên hệ với ngân hàng thông qua số tổng đài để xác minh. Sau đó, nhân viên ngân hàng sẽ yêu cầu phải khai báo các thông tin cá nhân để xác minh giữa người yêu cầu tra soát thông tin thẻ và chủ thẻ có trùng khớp với nhau hay không. Nếu thông tin trùng khớp, ngân hàng sẽ cung cấp thông tin các loại thẻ mà khách hàng đó đã mở tại ngân hàng được liên hệ.
Tuy nhiên, khi khai báo thông tin, khách hàng được yêu cầu phải cung cấp các thông tin chính xác, nếu cung cấp không đầy đủ thì khách hàng chỉ có thể ra trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng để xác minh thông tin thẻ ngân hàng đã mở.
Lưu ý: Nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Có cách nào để biết mình có bao nhiêu tài khoản, thẻ ngân hàng không? (Hình từ Internet)
Phân biệt các loại thẻ ngân hàng gồm thẻ trả trước, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về thẻ trả trước, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thẻ ngân hàng là phương tiện thanh toán do tổ chức phát hành thẻ phát hành để thực hiện giao dịch thẻ theo các Điều kiện và Điều Khoản được các bên thỏa thuận.
Thẻ trong Thông tư này không bao gồm các loại thẻ do các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ phát hành chỉ để sử dụng trong việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ của chính các tổ chức phát hành đó.
2. Thẻ ghi nợ (debit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi số tiền và hạn mức thấu chi (nếu có) trên tài Khoản thanh toán của chủ thẻ mở tại tổ chức phát hành thẻ.
3. Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ.
4. Thẻ trả trước (prepaid card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ tương ứng với số tiền đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ.
Thẻ trả trước bao gồm: Thẻ trả trước định danh (có các thông tin định danh chủ thẻ) và thẻ trả trước vô danh (không có các thông tin định danh chủ thẻ).
...
Như vậy, thẻ ngân hàng là một loại phương tiện thanh toán do tổ chức phát hành thẻ phát hành để thực hiện giao dịch thẻ theo thỏa thuận. Hiện nay, có 03 loại thẻ ngân hàng thông dụng tại Việt Nam là thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.
Thẻ ghi nợ hay còn gọi là debit card là thẻ ngân hàng mà chủ thẻ có thể thực hiện giao dịch thanh toán thẻ trong phạm vi số tiền có trong tài khoản thanh toán của chủ thẻ và hạn mức thấu chi nếu có.
Thẻ tín dụng hay còn gọi là credit card, là thẻ ngân hàng cho phép chủ thẻ giao dịch thanh toán trong phạm vi hạn mức tín dụng đã thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Chủ thẻ sẽ được sử dụng hạn mức này để thanh toán, giao dịch trước sau đó mới thanh toán cho tổ chức phát hành thẻ theo thỏa thuận.
Thẻ trả trước hay còn gọi là prepaid card là loại thẻ ngân hàng cho phép chủ thẻ được giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ. Loại thẻ này tương tự như thẻ ghi nợ, tuy nhiên khách hàng không cần mở tài khoản thanh toán để sử dụng và không cần duy trì số dư trên tài khoản thẻ.
Trên thẻ ngân hàng sẽ có các nội dung nào?
Căn cứ Điều 12 Thông tư 19/2016/TT-NHNN sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 28/2019/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 1 Thông tư 26/2017/TT-NHNN, quy định về thông tin trên thẻ ngân hàng như sau:
Thông tin trên thẻ
1. Thông tin trên thẻ phải bao gồm các yếu tố sau:
a) Tên TCPHT (tên viết tắt hoặc logo thương mại của TCPHT). Trường hợp trên thẻ có in tên viết tắt hoặc logo thương mại của nhiều tổ chức (bao gồm TCPHT, tổ chức hợp tác hoặc liên kết phát hành thẻ với TCPHT, tổ chức chuyển mạch thẻ, TCTQT và các đơn vị liên quan), thông tin trên thẻ cần thể hiện rõ thẻ này được phát hành bởi TCPHT (hoặc thẻ này là tài sản của TCPHT), tránh gây sự nhầm lẫn cho khách hàng;
b) Tên tổ chức chuyển mạch thẻ mà TCPHT là thành viên (tên viết tắt hoặc logo thương mại của tổ chức chuyển mạch thẻ), trừ trường hợp thẻ không có tính năng giao dịch thông qua dịch vụ chuyển mạch thẻ của tổ chức chuyển mạch thẻ;
c) Tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ (nếu có);
d) Số thẻ;
đ) Thời hạn hiệu lực (hoặc thời Điểm bắt đầu có hiệu lực) của thẻ;
e) Họ, tên đối với chủ thẻ là cá nhân; tên tổ chức đối với chủ thẻ là tổ chức và họ, tên của cá nhân được tổ chức ủy quyền sử dụng thẻ. Quy định này không áp dụng đối với thẻ trả trước vô danh.
2. Ngoài các thông tin quy định tại Khoản 1 Điều này, TCPHT được quy định thêm các thông tin khác trên thẻ nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
...
Như vậy, trên thẻ ngân hàng phải bao gồm các thông tin sau:
- Tên viết tắt hoặc logo của tổ chức phát hành thẻ;
- Tên tổ chức chuyển mạch thẻ mà tổ chức phát hành thẻ là thành viên ngoại trừ thẻ không có tính năng giao dịch thông qua dịch vụ chuyển mạch thẻ;
- Tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ (nếu có);
- Số thẻ;
- Thời hạn hiệu lực (hoặc thời Điểm bắt đầu có hiệu lực) của thẻ;
- Họ, tên đối với chủ thẻ là cá nhân; tên tổ chức đối với chủ thẻ là tổ chức và họ, tên của cá nhân được tổ chức ủy quyền sử dụng thẻ ngoại trừ thẻ trả trước vô danh.
Ngoài các thông tin nêu trên, tổ chức phát hành thẻ có thể có thêm các thông tin khác trên thẻ nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy: Nghiên cứu hợp nhất văn phòng HĐND, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một?
- Từ 2025, ngân hàng không được gửi tin nhắn, email chứa đường link tới khách hàng?
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Ngày Nhân quyền thế giới là ngày mấy? Ngày Nhân quyền thế giới 2024 là thứ mấy?
- Khi đi đến nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện giao thông cần đi như thế nào để bảo đảm đúng quy tắc giao thông?