Con tê tê có phải động vật quý hiếm không? Mua bán con tê tê có vi phạm pháp luật không?
Con tê tê có phải động vật quý hiếm không?
Con tê tê hay còn gọi là trút hoặc xuyên sơn giáp, là các loài động vật có vú thuộc Bộ Tê tê. Hiện nay, tê tê thường chỉ được biết đến rộng rãi ở 2 châu lục nơi chúng phân bố là Châu Phi và Châu Á. Tại Việt Nam hiện nay chỉ có 02 loài Tê tê là Tê tê Java (Manis javanica) và Tê tê vàng (Manis pentadactyla).
Căn cứ Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Phụ lục 1 Nghị định 84/2021/NĐ-CP và Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Phụ lục 1 Nghị định 64/2019/NĐ-CP thì tất cả các loài tê tê bao gồm tê tê java và tê tê vàng đều thuộc 02 danh mục động vật quý hiếm này
Như vậy, hiện nay các loài tê tê tại Việt Nam đều là động vật quý hiếm vừa thuộc nhóm IB Danh mục các loài động vật rừng quý hiếm, đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại vừa là động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Con tê tê có phải động vật quý hiếm không? Mua bán con tê tê có vi phạm pháp luật không? (Hình từ Internet)
Mua bán con tê tê có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 06/2019/NĐ-CP quy định về bảo vệ động vật quý hiếm như sau:
Bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
1. Hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, chế biến, vận chuyển, buôn bán các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không được ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của loài đó trong tự nhiên.
2. Mọi hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được quản lý, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.
3. Khu vực sinh cảnh sống thường xuyên, tập trung của các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được nghiên cứu làm cơ sở để thành lập các khu rừng đặc dụng.
4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, xây dựng công trình, điều tra, thăm dò, nghiên cứu, tham quan, du lịch và các hoạt động khác trong các diện tích rừng có thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải thực hiện các quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo đó, mọi hành vi mua bán con tê tê đều phải được cơ quan nhà nước quản lý và đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, trên cơ sở không được làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của con tê tê trong tự nhiên.
Như vậy, các hành vi mua bán con tê tê không được cơ quan có thẩm quyền cho phép gây ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển của tê tê trong tự nhiên đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Cá nhân mua bán con tê tê có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi điểm a khoản 64 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi mua bán con tê tê như sau:
Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật quy định tại điểm a khoản này; ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 0,05 kilôgam đến dưới 01 kilôgam;
c) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác;
d) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép từ 03 đến 07 bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật lớp thú, của 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác thuộc loài động vật quy định tại điểm c khoản này;
đ) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của các động vật có số lượng dưới mức tối thiểu của các điểm b, c và d khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
...
Như vậy, người có hành vi mua bán trái phép con tê tê có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Hình phạt với tội này là bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- vnEdu.vn đăng nhập tra điểm nhanh nhất 2024 dành cho phụ huynh và học sinh?
- Xếp hạng 6 di tích quốc gia đặc biệt đợt 16 năm 2024?
- Tháng 11 âm lịch là tháng mấy dương lịch 2024? Xem lịch âm Tháng 11 2024 chi tiết?
- Mẫu Bản thuyết minh Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp hoạt động liên tục mới nhất 2024?
- Nội dung công việc thực hiện công tác địa chất đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025?