Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cần đảm bảo những nội dung nào?
Sự cố môi trường là gì?
Căn cứ khoản 14 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về sự cố môi trường như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
12. Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.
13. Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng, số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.
14. Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc do biến đổi bất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng.
...
Như vậy, sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc do biến đổi bất thường của tự nhiên, gây ra sự biến đổi tính chất của thành phần môi trường nghiêm trọng, làm suy giảm về chất lượng, số lượng của thành phần môi trường, dẫn đến gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.
Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cần đảm bảo những nội dung nào? (Hình từ Internet)
Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cần đảm bảo những nội dung nào?
Căn cứ Điều 108 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về nội dung của kế hoạch ứng phó sự cố môi trường như sau:
Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường
1. Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường là tài liệu xác định các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, dự kiến kịch bản xảy ra sự cố môi trường kèm theo các phương án ứng phó tương ứng để bảo đảm sẵn sàng, kịp thời ứng phó khi sự cố môi trường xảy ra trên thực tế.
2. Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở gồm các nội dung sau đây:
a) Xác định và đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trong quá trình hoạt động của cơ sở, các kịch bản đối với từng loại nguy cơ có thể xảy ra sự cố môi trường;
b) Phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường bao gồm: công trình, thiết bị và bảo đảm vật tư, dụng cụ, phương tiện cần thiết để ứng phó sự cố môi trường; bố trí lực lượng tại chỗ để bảo đảm sẵn sàng ứng phó với từng kịch bản sự cố môi trường;
c) Xây dựng kế hoạch tập huấn, huấn luyện, diễn tập về ứng phó sự cố môi trường cho lực lượng ứng phó sự cố tại chỗ;
d) Phương thức thông báo, báo động khi xảy ra sự cố môi trường và huy động nguồn nhân lực, trang thiết bị để ứng phó sự cố môi trường;
đ) Biện pháp tổ chức ứng phó sự cố môi trường đối với các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 125 Luật Bảo vệ môi trường.
3. Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia gồm các nội dung sau đây:
a) Xác định và đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn; các kịch bản đối với từng loại nguy cơ có thể xảy ra sự cố môi trường; phương án ứng phó đối với các kịch bản sự cố môi trường;
b) Phương án bố trí trang thiết bị, vật tư, phương tiện bảo đảm cho hoạt động ứng phó sự cố môi trường theo các mức độ sự cố;
c) Phân công lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm ứng phó sự cố môi trường; xác định nội dung và tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập về ứng phó sự cố môi trường trong chương trình kế hoạch phòng thủ dân sự cùng cấp hằng năm;
d) Quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, phương thức thông báo, báo động về sự cố môi trường và cơ chế huy động nguồn nhân lực, trang thiết bị để ứng phó theo mức độ sự cố môi trường;
đ) Biện pháp tổ chức ứng phó sự cố môi trường đối với các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 125 Luật Bảo vệ môi trường.
Như vậy, kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cơ sở cần đảm bảo các nội dung sau:
- Xác định và đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố môi trường và đề ra kịch bản với từng nguy cơ trong quá trình hoạt động của cơ sở;
- Phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường bao gồm: công trình, thiết bị và bảo đảm vật tư, dụng cụ, phương tiện cần thiết để ứng phó sự cố môi trường, bố trí lực lượng tại chỗ để bảo đảm sẵn sàng ứng phó với từng kịch bản sự cố môi trường;
- Kế hoạch tập huấn, huấn luyện, diễn tập về ứng phó sự cố môi trường cho lực lượng ứng phó sự cố tại chỗ;
- Phương thức thông báo, báo động khi xảy ra sự cố và huy động nguồn nhân lực, trang thiết bị để ứng phó sự cố môi trường;
- Biện pháp tổ chức ứng phó sự cố môi trường.
Đối với kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia thì cần đảm bảo các nội dung tương tự tại cấp cơ sở, ngoài ra cần thêm một số nội dung sau:
- Phân công lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm ứng phó sự cố môi trường;
- Quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin và cơ chế huy động nguồn nhân lực, trang thiết bị để ứng phó theo mức độ sự cố môi trường.
Trách nhiệm phòng ngừa sự cố môi trường được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 122 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường như sau:
Trách nhiệm phòng ngừa sự cố môi trường
1. Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm thực hiện các nội dung sau đây:
a) Thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật;
b) Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
a) Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra trên địa bàn;
b) Xây dựng cơ sở dữ liệu và lập, công khai thông tin về các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
c) Xây dựng và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trên địa bàn.
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phòng ngừa sự cố môi trường theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 127 của Luật này.
Như vậy, các chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định.
Ngoài ra, các đơn vị này phải thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.
Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phải thực hiện điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra trên địa bàn. Xây dựng cơ sở dữ liệu, công khai thông tin về các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố.
Từ đó, UBND tỉnh có trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trên địa bàn.
Ngoài ra, đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng phải có trách nhiệm phòng ngừa sự cố môi trường theo quy định về trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan chuyên môn các cấp.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?