Tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông bị giảm theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024?
Luật Các tổ chức tín dụng 2024: Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông?
Căn cứ Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024) quy định như sau:
Tỷ lệ sở hữu cổ phần
1. Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 05% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
2. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
3. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.
4. Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu cổ phần tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 111 của Luật này;
b) Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa;
c) Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 7 Điều này.
5. Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này bao gồm cả số cổ phần sở hữu gián tiếp. Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản 3 Điều này bao gồm cả cổ phần do cổ đông ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần và không bao gồm sở hữu cổ phần của người có liên quan là công ty con của cổ đông đó theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 4 của Luật này.
6. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ.
7. Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư đó tại một tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện, thủ tục nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông bị thay đổi theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:
- Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% (trước đây là 15% theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
- Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% (trước đây là 20% theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Đồng thời, cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.
- Đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa sẽ do Chính phủ quy định cụ. Điểm này đã được quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật các tổ chức tín dụng 2010 và vừa được thêm vào tại khoản 7 Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông bị giảm theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024? (Hình từ Internet)
Các cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010 giải quyết như nào từ ngày 01/07/2024?
Theo khoản 11 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về quy định chuyển tiếp đối với quy định tại Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:
Quy định chuyển tiếp
...
11. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông lớn, một cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần phù hợp với quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14.
...
Theo đó, các cổ đông, cổ đông và người có liên quan đã sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phép trước 01/07/2024 được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Quy định về mua lại cổ phần cổ đông theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như thế nào?
Căn cứ Điều 65 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định như sau:
Mua lại cổ phần của cổ đông
Tổ chức tín dụng chỉ được mua lại cổ phần của cổ đông nếu sau khi thanh toán hết số tiền tương ứng với số cổ phần được mua lại mà vẫn bảo đảm các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng và giá trị thực của vốn điều lệ không giảm thấp hơn mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng.
Quy định này tại Điều 57 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có quy định trường hợp mua lại cổ phần dẫn đến việc giảm vốn điều lệ của tổ chức tín dụng thì phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước bằng văn bản. Tuy nhiên, trường hợp này lại được bãi bỏ trong Điều 65 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Lưu ý: Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?