Cơ quan nào có chức năng quản lý nhà nước về công tác gia đình và bảo vệ trẻ em?
Cơ quan nào có chức năng quản lý nhà nước về công tác gia đình và bảo vệ trẻ em?
Tại Điều 3 Nghị định 02/2013/NĐ-CP quy định về cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình như sau:
Cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình
...
3. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình tại địa phương.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 90 Luật Trẻ em 2016 có quy định như sau:
Ủy ban nhân dân các cấp
1. Thực hiện quản lý nhà nước về trẻ em theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; ban hành theo thẩm quyền chính sách, pháp luật bảo đảm thực hiện quyền trẻ em phù hợp với đặc Điểm, Điều kiện của địa phương.
...
Tại khoản 11, khoản 12 Điều 8 của Nghị định 24/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 107/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Các sở được tổ chức thống nhất ở các địa phương
...
11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Lao động, tiền lương và việc làm trong khu vực doanh nghiệp; giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm); bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội.
12. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Văn hóa; gia đình; thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo (không bao gồm nội dung quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin); việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đối với các địa phương có Sở Du lịch thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về du lịch do Sở Du lịch thực hiện.”
...
Như vậy, Ủy ban nhân dân các cấp có chức năng quản lý nhà nước về công tác gia đình và bảo vệ trẻ em.
Ngoài ra, còn có các cơ quan khác tham mưu, giúp ủy ban nhân dân như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin.
Cơ quan nào có chức năng quản lý nhà nước về công tác gia đình và bảo vệ trẻ em? (Hình từ Internet)
Nội dung quản lý nhà nước về trẻ em được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 8 Luật Trẻ em 2016 quy định nội dung quản lý nhà nước về trẻ em bao gồm:
- Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về trẻ em.
- Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về biện pháp, quy trình, tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật.
- Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trẻ em; truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng và vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em.
- Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em, người chăm sóc trẻ em và mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em thực hiện quyền của trẻ em.
- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về trẻ em; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em; giải quyết, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em, người giám hộ và tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
- Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình trẻ em và việc thực hiện pháp luật về trẻ em cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Hợp tác quốc tế về thực hiện quyền trẻ em.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm những nhóm trẻ nào?
Tại Điều 10 Luật Trẻ em 2016 có quy định về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm các nhóm trẻ như sau:
(1) Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ;
2) Trẻ em bị bỏ rơi;
(3) Trẻ em không nơi nương tựa;
(4) Trẻ em khuyết tật;
(5) Trẻ em nhiễm HIV/AIDS;
(6) Trẻ em vi phạm pháp luật;
(7) Trẻ em nghiện ma túy;
(8) Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở;
(9) Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực;
(10) Trẻ em bị bóc lột;
(11) Trẻ em bị xâm hại tình dục;
(12) Trẻ em bị mua bán;
(13) Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo;
(14) Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.