Phụ cấp quân nhân dự bị 2024 là bao nhiêu? Hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn của quân nhân dự bị gồm những gì?
Quân nhân dự bị là gì?
Căn cứ Điều 2 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Lực lượng dự bị động viên bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị được đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.
2. Quân nhân dự bị bao gồm sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được đăng ký theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự.
...
Như vậy, quân nhân dự bị thuộc lực lượng dự bị động viên là công dân Việt Nam được đăng ký vào ngạch dự bị động viên, bao gồm:
- Sĩ quan dự bị là những người được tuyển chọn bổ sung cho đội ngũ sĩ quan tại ngũ, gồm những sĩ quan thuộc lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý, huấn luyện cho đội ngũ sĩ quan tại ngũ.
- Quân nhân chuyên nghiệp dự bị là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân theo quy định của Luật này.
- Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị là công dân đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
Phụ cấp quân nhân dự bị 2024 là bao nhiêu? Hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn của quân nhân dự bị gồm những gì? (Hình từ Internet)
Phụ cấp quân nhân dự bị 2024 là bao nhiêu?
Quân nhân dự bị được hưởng các phụ cấp sau:
(1) Phụ cấp đối với quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 79/2020/NĐ-CP:
- Mức 160.000 đồng/tháng đối với sĩ quan dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên.
- Mức 320.000 đồng/năm đối với quân nhân chuyên nghiệp dự bị; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên.
(2) Phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 79/2020/NĐ-CP:
- Mức 480.000 đồng/quý đối với Tiểu đội trưởng, Khẩu đội trưởng và tương đương.
- Mức 560.000 đồng/quý đối với Trung đội trưởng và tương đương.
- Mức 640.000 đồng/quý đối với Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội và tương đương.
- Mức 720.000 đồng/quý đối với Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội và tương đương.
- Mức 800.000 đồng/quý đối với Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn và tương đương.
- Mức 880.000 đồng/quý đối với Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn và tương đương.
- Mức 960.000 đồng/quý đối với Phó Trung đoàn trưởng, Phó Chính ủy trung đoàn và tương đương.
- Mức 1.040.000 đồng/quý đối với Trung đoàn trưởng, Chính ủy trung đoàn và tương đương.
(3) Phụ cấp theo ngày làm việc quy định tại Điều 4 Nghị định 79/2020/NĐ-CP:
- Đối với sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị, mức phụ cấp 01 ngày được tính bằng tháng tiền lương cơ bản hiện hành của sĩ quan có cùng cấp bậc quân hàm hoặc cùng bậc lương quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ chia cho 26 ngày.
- Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị, mức phụ cấp theo ngày làm việc được tính bằng mức phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có cùng cấp bậc quân hàm.
Lưu ý:
- Nếu thời gian tập trung từ 05 ngày đến 15 ngày thì được hưởng 1/2 tháng phụ cấp;
- Nếu tập trung từ 16 ngày cho đến 31 ngày thì được hưởng cả tháng phụ cấp;
- Nếu tập trung trên 31 ngày thì mức phụ cấp tiếp tục được hưởng như quy định từ đầu.
(4) Trợ cấp tai nạn; chết do tai nạn hoặc chết do ốm đau, tai nạn rủi ro quy định tại Điều 6 Nghị định 79/2020/NĐ-CP:
- Trợ cấp tai nạn:
+ Suy giảm khả năng lao động 5% thì được trợ cấp một lần bằng 8.000.000 đồng;
+ Sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 800.000 đồng.
- Trợ cấp chết do tai nạn hoặc chết do ốm đau, tai nạn rủi ro:
+ Chết do tai nạn, gia đình được trợ cấp một lần bằng 57.600.000 đồng; thân nhân hoặc người tổ chức mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 16.000.000 đồng.
+ Chết do ốm đau, tai nạn rủi ro, gia đình được trợ cấp một lần bằng 4.800.000 đồng; thân nhân hoặc người tổ chức mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 16.000.000 đồng.
(5) Chế độ viếng sĩ quan dự bị từ trần quy định tại Điều 7 Nghị định 79/2020/NĐ-CP:
Sĩ quan đang phục vụ ở ngạch dự bị tại địa phương từ trần, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện cùng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tổ chức đoàn viếng, mức 1.600.000 đồng/trường hợp.
Hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn của quân nhân dự bị gồm những giấy tờ gì?
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 79/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn của quân nhân dự bị gồm những giấy tờ sau:
- Biên bản điều tra tai nạn do đơn vị trực tiếp huấn luyện lập (01 bản chính);
- Giấy ra viện (01 bản chính hoặc bản sao) hoặc trích sao hồ sơ bệnh án, hoặc bản sao giấy chứng nhận thương tích của cơ sở y tế (nơi đã cấp cứu, điều trị quân nhân dự bị);
- Lệnh gọi tập trung huấn luyện hoặc quyết định gọi đào tạo sĩ quan dự bị của cấp có thẩm quyền (01 bản sao);
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa của bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên (02 bản chính);
- Quyết định trợ cấp của đơn vị trực tiếp huấn luyện (02 bản chính).
Lưu ý: Trường hợp bị tai nạn giao thông thì có thêm biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (01 bản chính hoặc bản sao).
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Quân nhân dự bị có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?