Hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung có được áp dụng hình thức chỉ định thầu không?
Hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung có được áp dụng hình thức chỉ định thầu không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 53 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:
Điều 53. Mua sắm tập trung
...
3. Mua sắm tập trung phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng cần mua sắm để phòng, chống dịch bệnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 của Luật này thì được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung đáp ứng điều kiện đàm phán giá theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này thì được áp dụng hình thức đàm phán giá.
...
Theo đó, hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong trường hợp cần mua sắm để phòng, chống dịch bệnh gồm:
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân.
- Gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện.
- Gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường.
Hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung có được áp dụng hình thức chỉ định thầu không? (Hình từ Internet)
Đơn vị mua sắm tập trung phải có trách nhiệm gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 88 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 88. Trách nhiệm trong mua sắm tập trung
1. Đơn vị mua sắm tập trung thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư quy định tại Điều 78 của Luật Đấu thầu.
2. Cấp trên của đơn vị mua sắm tập trung thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 77 của Luật Đấu thầu.
Như vậy, đơn vị mua sắm tập trung phải thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư đó là:
(1) Phê duyệt các nội dung sau đây:
- Kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong trường hợp gói thầu được thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án, gói thầu đấu thầu trước; kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án đã phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu.
- Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, danh sách ngắn.
- Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
- Kết quả lựa chọn nhà thầu.
(2) Tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Đấu thầu 2023.
(3) Ký kết hoặc ủy quyền ký kết và quản lý hợp đồng với nhà thầu; ký kết và quản lý thỏa thuận khung đối với mua sắm tập trung áp dụng thỏa thuận khung; thanh toán cho nhà thầu theo quy định trong hợp đồng đã ký kết.
(4) Quyết định thành lập bên mời thầu với nhân sự đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu.
Trường hợp nhân sự không đáp ứng yêu cầu thì lựa chọn nhà thầu tư vấn để làm bên mời thầu hoặc thực hiện một số nhiệm vụ của bên mời thầu.
Quyết định thành lập tổ chuyên gia đáp ứng quy định tại Điều 19 Luật Đấu thầu 2023 trong trường hợp không thuê đơn vị tư vấn làm bên mời thầu.
(5) Quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu.
(6) Giải quyết kiến nghị trong lựa chọn nhà thầu.
(7) Bảo mật thông tin, tài liệu liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
(8) Lưu trữ thông tin liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định.
(9) Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu hằng năm.
(10) Hủy thầu đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Luật Đấu thầu 2023.
(11) Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.
(12) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền về quá trình lựa chọn nhà thầu.
(13) Trường hợp chủ đầu tư đồng thời là bên mời thầu thì còn phải thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 79 Luật Đấu thầu 2023.
(14) Trang bị cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đấu thầu qua mạng.
(15) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của thông tin đã đăng ký, đăng tải lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khi sử dụng chứng thư số của mình.
(16) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật Đấu thầu 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thời hạn áp dụng thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung là bao lâu?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 54 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:
Điều 54. Thỏa thuận khung
1. Thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung là thỏa thuận giữa đơn vị mua sắm tập trung với một hoặc nhiều nhà thầu được lựa chọn đối với gói thầu không chia phần hoặc đối với một phần của gói thầu chia phần
2. Thỏa thuận khung quy định nội dung và điều kiện để làm cơ sở cho việc mua sắm theo từng hợp đồng cụ thể.
3. Thời hạn áp dụng thỏa thuận khung được quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng không quá 36 tháng. Tại thời điểm ký thỏa thuận khung, hồ sơ dự thầu của nhà thầu được lựa chọn còn hiệu lực.
4. Đối với nhà thầu liên danh, tất cả thành viên tham gia liên danh phải trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào thỏa thuận khung.
Theo quy định này, thời hạn áp dụng thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung sẽ được quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng không quá 36 tháng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tướng yêu cầu bảo đảm công chức viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán 2025?
- Vòng chung kết cuộc thi Festival Trạng nguyên Tiếng Anh 2025 diễn ra vào ngày nào?
- Đã có thông báo thu hồi đất, có được mua bán đất nữa không?
- Đơn đề nghị tập huấn cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe mới nhất hiện nay?
- Nút ấn báo cháy được lắp ở đâu? Mẫu tem kiểm định nút ấn báo cháy là mẫu nào?