Ngân sách Nhà nước được dùng để chi cho những hoạt động khám chữa bệnh nào?
Ngân sách Nhà nước được dùng để chi cho những hoạt động khám chữa bệnh nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 107 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì ngân sách Nhà nước sẽ được dùng để chi cho những hoạt động khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
- Chi cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao nhiệm vụ.
- Chi hỗ trợ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về cơ chế tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm bảo đảm chi thường xuyên cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trong trường hợp không cân đối được chi thường xuyên.
- Chi đầu tư phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
- Chi đóng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Ngân sách Nhà nước được dùng để chi cho những hoạt động khám chữa bệnh nào? (Hình từ Internet)
Ngân sách Nhà nước sẽ ưu tiên chi các hoạt động khám chữa bệnh nào?
Căn cứ theo quy định khoản 2 Điều 4 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì chính sách của Nhà nước sẽ ưu tiên bố trí cho các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
- Phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc y tế cơ sở, hệ thống cấp cứu ngoại viện; tập trung đầu tư cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Khám bệnh, chữa bệnh đối với người có công với cách mạng; trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo; người đang sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người mắc bệnh tâm thần, bệnh phong; người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;
- Tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực truyền nhiễm, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, hồi sức cấp cứu và chuyên ngành, lĩnh vực khác cần ưu tiên để đáp ứng nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ;
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh.
Nguyên tắc trong khám chữa bệnh được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì việc khám bệnh, chữa bệnh sẽ tuân theo các nguyên tắc sau đây:
- Tôn trọng, bảo vệ, đối xử bình đẳng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
- Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Tôn trọng, hợp tác, bảo vệ người hành nghề, người khác đang thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Thực hiện kịp thời và tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật.
- Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
- Bình đẳng, công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Nghĩa vụ của bệnh nhân trong khám chữa bệnh được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì người bệnh khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có các nghĩa vụ như sau:
Một là, theo Điều 16 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì người bệnh có nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
- Tôn trọng người hành nghề; không được đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Hai là, theo Điều 17 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì người bệnh có nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh:
- Cung cấp trung thực và chịu trách nhiệm về thông tin liên quan đến nhân thân, tình trạng sức khỏe của mình, hợp tác đầy đủ với người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề.
- Chấp hành và yêu cầu thân nhân, người đến thăm mình chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Ba là, theo Điều 18 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì người bệnh có nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh:
- Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế có nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định về bảo hiểm y tế;
- Người bệnh không tham gia bảo hiểm y tế có nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định..
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu giấy xác nhận tuổi Đảng mới nhất 2024 và hướng dẫn cách ghi?
- Diện tích tối thiểu tách thửa đất ở tỉnh Quảng Ninh là bao nhiêu mét vuông?
- 20 khẩu hiệu tuyên truyền Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2024?
- Lịch âm dương Tháng 11 2024 đầy đủ, chi tiết? Nước ta có ngày lễ lớn nào theo Lịch âm dương Tháng 11 2024 không?
- Tổng hợp Đề thi giữa kì 1 Toán 4 Cánh diều có đáp án tham khảo năm 2024-2025?