Ai có thể làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý? Hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên gồm có những gì?
Ai có thể làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý?
Tại Điều 24 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về cộng tác viên trợ giúp pháp lý như sau:
Cộng tác viên trợ giúp pháp lý
1. Ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, căn cứ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý cho người có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Những người đã nghỉ hưu, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có nguyện vọng thực hiện trợ giúp pháp lý có thể trở thành cộng tác viên trợ giúp pháp lý, bao gồm: trợ giúp viên pháp lý; thẩm phán, thẩm tra viên ngành Tòa án; kiểm sát viên, kiểm tra viên ngành kiểm sát; điều tra viên; chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án dân sự; chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan nhà nước.
3. Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với người được cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý để thực hiện tư vấn pháp luật tại địa phương.
Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp thu hồi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý đối với người không thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý.
Theo đó, người có thể làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý là những người đã nghỉ hưu, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có nguyện vọng thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:
- Trợ giúp viên pháp lý;
- Thẩm phán, thẩm tra viên ngành Tòa án;
- Kiểm sát viên, kiểm tra viên ngành kiểm sát;
- Điều tra viên; chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án dân sự;
- Chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan nhà nước.
Ai có thể làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý? Hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên gồm có những gì? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý gồm có những gì?
Căn cứ Điều 16 Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định thủ tục cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý như sau:
Thủ tục cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý
1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Trợ giúp pháp lý, nếu có nguyện vọng làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý (sau đây gọi chung là cộng tác viên) và nhất trí với các nội dung cơ bản của hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp thì gửi 01 bộ hồ sơ đến Trung tâm ở địa phương nơi mình cư trú. Hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên bao gồm:
a) Đơn đề nghị làm cộng tác viên theo mẫu;
b) Giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định;
c) Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú và 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm.
2. Việc nộp hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên được thực hiện như sau:
a) Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở Trung tâm, người đề nghị làm cộng tác viên nộp các giấy tờ quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định;
b) Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người đề nghị làm cộng tác viên gửi các giấy tờ quy định tại điểm a, và điểm c khoản 1 Điều này, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định;
c) Trường hợp gửi qua fax, hình thức điện tử, người đề nghị làm cộng tác viên gửi các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này đến Trung tâm.
...
Như vậy, hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý bao gồm:
- Đơn đề nghị làm cộng tác viên theo mẫu;
- Giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định;
- Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú và 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm.
Người bị thu hồi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý có tiếp tục được thực hiện trợ giúp pháp lý không?
Tại điểm b khoản 1 Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định các trường hợp không được tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:
Các trường hợp không được tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý
1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này, trừ trường hợp đã chấp hành xong hình thức xử lý vi phạm và được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này;
b) Bị thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ tư vấn viên pháp luật;
c) Các trường hợp không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về tố tụng.
...
Như vậy, người bị thu hồi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?