Những nguyên nhân ly hôn đơn phương được Tòa án chấp nhận?
Những nguyên nhân ly hôn đơn phương được Tòa án chấp nhận?
Hiện nay, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định việc ly hôn sẽ được thực hiện theo 2 hình thức: ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương (theo yêu cầu của một bên).
Các nguyên nhân để ly hôn đơn phương được Tòa án chấp nhận thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể như sau:
[1] Vợ/chồng của người bị tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn
Nguyên nhân ly hôn này cũng dẫn chiếu tại khoản 2 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Vậy, nếu một người mà bị Tòa án tuyên bố mất tích thì vợ hoặc chồng của người đó có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Trường hợp này, yêu cầu sẽ được chấp nhận và Tòa án giải quyết ly hôn cho người yêu cầu.
[2] Vợ/chồng có hành vi bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là điều mà không ai mong muốn khi kết hôn. Đây là hành vi của thành viên gia đình, gây thiệt hại về tinh thần, thể chất, kinh tế, tình cảm,… Tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định những hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
- Đánh đập, ngược đãi, hành hạ, hoặc hành vi khác cố ý xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng.
- Có hành vi lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
- Xua đuổi, cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây ra hậu quả nghiêm trọng.
- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình.
- Cưỡng ép quan hệ tình dục.
- Cưỡng ép, cản trở việc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
- Có hành vi gây thiệt hại, xâm phạm đến tài sản chung của gia đình hoặc các thành viên khác trong gia đình.
- Cưỡng ép các thành viên gia đình lao động quá sức, kiểm soát thu nhập của họ.
- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi nơi ở.
[3] Vợ/chồng vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của mình
Việc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng khiến cuộc hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được cũng là một trong những nguyên nhân toàn án chấp nhận cho ly hôn đơn phương.
Trong đó, vợ, chồng có các quyền và nghĩa vụ nêu tại Chương 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Cụ thể:
- Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân;
- Vợ, chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
- Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau…
* Tình trạng vợ chồng trầm trọng
Tình trạng vợ chồng trầm trọng được xem là có những việc như vơ, chồng không yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, nghĩa là mỗi người chỉ quan tâm đến bản thân, không quan tâm đến người còn lại, cụ thể
- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau: Người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống.
- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau: Thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau.
- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau: Có quan hệ ngoại tình.
Lưu ý: Các trường hợp này đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
* Đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài
Nếu có một trong các trường hợp nêu trên trong thực tế, được nhắc nhở và hòa giải nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục thì được xem xét về tình trạng đời sống chung không thể kéo dài.
* Mục đích của hôn nhân không đạt được
Mục đích của hôn nhân là hướng tới một cuộc sống tốt đẹp cho người. Nếu không đạt được những biểu hiện trên thì xem như cuộc hôn nhân không đạt được mục đích.
Những nguyên nhân ly hôn đơn phương được Tòa án chấp nhận? (Hình từ Internet)
Ai là người nộp tiền tạm ứng án phí ly hôn đơn phương?
Trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án giải quyết các vụ án về hôn nhân và gia đình thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Căn cứ Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm cụ thể như sau:
Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm
...
4. Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.
...
Như vậy, theo quy định trên thì người nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn đơn phương là người có nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng án phí ly hôn.
Tiền tạm ứng án phí khi thực hiện ly hôn đơn phương là bao nhiêu?
Theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm khi thực hiện ly hôn đơn phương là 300.000 đồng nếu không có tranh chấp về tài sản .
Nếu có tranh chấp thì tiền tạm ứng án phí phải đóng như sau:
STT | Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch | Mức thu |
1 | Từ 6.000.000 đồng trở xuống | 300.000 đồng |
2 | Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng | 5% giá trị tài sản có tranh chấp |
3 | Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng | 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng |
4 | Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng | 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng |
5 | Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng | 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng |
6 | Từ trên 4.000.000.000 đồng | 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng. |
Lưu ý:
- Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hôn nhân và gia đình không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch.
Mức tạm ứng án phí vụ án hôn nhân gia đình sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch (tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14).
- Đối với vụ án hôn nhân và gia đình được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức tạm ứng án phí bằng 50% theo khoản 4 Điều 7 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giá dịch vụ khám chữa bệnh áp dụng tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác từ ngày 14/11/2024?
- 24 tháng 11 năm 2024 là ngày bao nhiêu âm? Nghỉ hằng năm NLĐ được ứng bao nhiêu phần trăm tiền lương?
- Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bị giải thể trong trường hợp nào từ 20/11/2024?
- Mẫu biên bản họp chi bộ thường kỳ thông dụng, phổ biến nhất 2024?
- Dự án có thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tạm dừng thu trong các trường hợp nào?