Mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng năm 2024 là bao nhiêu?
Mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng năm 2024 là bao nhiêu?
Theo Điều 138 Luật Xây dựng 2014 quy định về hợp đồng xây dựng như sau:
Quy định chung về hợp đồng xây dựng
1. Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
...
Theo quy định pháp luật về xây dựng hiện nay thì hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Xây dựng 2014
Theo Điều 146 Luật Xây dựng 2014 bị thay thế một số nội dung bởi điểm c khoản 64 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng như sau:
Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng
1. Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.
2. Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác.
...
Tại Điều 418 Bộ luât Dân sự 2015 quy định về thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng như sau:
Thỏa thuận phạt vi phạm
1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
...
Có thể thấy đối với quy định tại Luật Xây dựng 2014 chỉ quy định về mức phạt vi phạm đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công mà không có quy định cụ thể cho mức phạt của các công trình ngoài ngân sách nhà nước
Tuy nhiên đối với quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 thì mức phạt vi phạm hợp đồng nói chung và mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng nói riêng sẽ tùy thuộc vào 02 bên thỏa thuận (trừ pháp luật liên quan có quy định khác)
Đồng thời tại Công văn 48/BXD-KTXD năm 2019 thì Bộ Xây dựng có trả lời giải đáp của 01 doanh nghiệp về mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng đối với công trình ngoài vốn nhà nước là mức phạt vi phạm hợp đồng đối với công trình không sử dụng vốn nhà nước thì sẽ áp dụng mức phạt mà các bên đã thỏa thuận khi giao kết hợp đồng xây dựng
Ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể, nếu hợp đồng xây dựng đáp ứng được các điều kiện về một hợp đồng thương mại thì đây có thể xem là hợp đồng thương mại và hợp đồng thương mại vẫn là một dạng của hợp đồng dân sự
Mà tại Điều 301 Luật Thương mại 2005 quy định về mức phạt vi phạm hợp đồng được quy định như sau:
Mức phạt vi phạm
Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.
Theo đó, quy định về pháp luật thương mại thì mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm
Tóm lại, mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng năm 2024 sẽ được quy định như sau:
[1] Đối với các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước: Phạt tối đa 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm
[2] Đối với các công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước:
- Đối với hợp đồng xây dựng không đáp ứng được các điều kiện về hợp đồng thương mại: sẽ áp dụng theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 tức là sẽ theo thỏa thuận của các bên và được thể hiện trong hợp đồng
- Đối với hợp đồng xây dựng đáp ứng các điều kiện về hợp đồng thương mại: theo quy định của pháp luật thương mại, tức là thỏa thuận của các bên nhưng không vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm
Mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng năm 2024 là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc khi ký kết hợp đồng xây dựng theo pháp luật xây dựng là gì?
Theo khoản 2 Điều 138 Luật xây dựng 2014 quy định về hợp đồng xây dựng như sau:
Nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng gồm:
- Tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, không trái pháp luật và đạo đức xã hội;
- Bảo đảm có đủ vốn để thanh toán theo thỏa thuận của hợp đồng;
- Đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng;
- Trường hợp bên nhận thầu là liên danh nhà thầu thì phải có thỏa thuận liên danh. Các thành viên trong liên danh phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào hợp đồng xây dựng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng là gì?
Theo khoản 1 Điều 139 Luật Xây dựng 2014 quy định về hiệu lực của hợp đồng xây dựng như sau:
Hợp đồng xây dựng có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Người ký kết hợp đồng phải có đủ năng lực hành vi dân sự, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Bảo đảm các nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng;
- Bên nhận thầu phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề xây dựng theo quy định.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tướng yêu cầu bảo đảm công chức viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán 2025?
- Vòng chung kết cuộc thi Festival Trạng nguyên Tiếng Anh 2025 diễn ra vào ngày nào?
- Đã có thông báo thu hồi đất, có được mua bán đất nữa không?
- Đơn đề nghị tập huấn cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe mới nhất hiện nay?
- Nút ấn báo cháy được lắp ở đâu? Mẫu tem kiểm định nút ấn báo cháy là mẫu nào?