Trường hợp nào phải điều chỉnh giấy phép xây dựng? Thủ tục điều chỉnh giấy phép như thế nào?

Cho tôi hỏi: Trường hợp nào phải điều chỉnh giấy phép xây dựng? Thủ tục điều chỉnh giấy phép như thế nào? (Câu hỏi của anh Long - Kiên Giang)

Trường hợp nào phải điều chỉnh giấy phép xây dựng?

Căn cứ theo Điều 98 Luật Xây dựng 2014, việc điều chỉnh giấy phép xây dựng được chủ đầu tư thực hiện nếu trong quá trình xây dựng có điều chỉnh thiết kế làm thay đổi một trong các nội dung như sau:

- Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc.

- Thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính.

- Khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.

Trường hợp nào phải điều chỉnh giấy phép xây dựng? Thủ tục điều chỉnh giấy phép như thế nào?

Trường hợp nào phải điều chỉnh giấy phép xây dựng? Thủ tục điều chỉnh giấy phép như thế nào? (Hình từ Internet)

Hồ sơ điều chỉnh giấy phép xây dựng có gì?

Theo quy định tại Điều 51 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, hồ sơ điều chỉnh giấy phép xây dựng bao gồm các giấy tờ dưới đây:

- Đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng theo Mẫu số 02 Phụ lục 2 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

Tải Đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng Tải về.

- Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp.

- 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ thiết kế xây dựng điều chỉnh triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng tương ứng theo các trường hợp sau:

+ Trường hợp xây dựng mới quy định tại Điều 43 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

+ Trường hợp xây dựng theo giai đoạn tại Điều 44 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

+ Trường hợp xây dựng cho dự án, nhóm công trình thuộc dự án tại Điều 45 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

+ Trường hợp xây dựng xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại Điều 46 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

+ Trường hợp xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình tại Điều 47 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

- Báo cáo kết quả thẩm định và văn bản phê duyệt thiết kế xây dựng điều chỉnh (trừ nhà ở riêng lẻ) của chủ đầu tư, trong đó phải có nội dung về bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.

Thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng như thế nào?

Căn cứ theo Điều 102 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 36 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng được tiến hành như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ.

- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng.

- Đồng thời kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định hoặc hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định.

Bước 3: Thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa

- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.

- Khi thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo 01 lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo như văn bản đã thông báo.

+ Trường hợp việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép.

Bước 4: Lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước.

- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện theo quy định pháp luật để gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

- Trong thời gian 12 ngày đối với công trình và nhà ở riêng lẻ kể từ ngày nhận được hồ sơ, các cơ quan quản lý nhà nước được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình.

Sau thời hạn trên, nếu các cơ quan này không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình; cơ quan cấp giấy phép xây dựng căn cứ các quy định hiện hành để quyết định việc cấp giấy phép xây dựng.

Bước 5: Thực hiện cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh

- Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh trong thời gian 20 ngày và trong thời gian 15 ngày đối với giấy phép xây dựng của nhà ở riêng lẻ.

- Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép điều chỉnh nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định tại khoản này.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Dương Thanh Trúc
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào