Phân biệt giữa kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập?
Kiểm toán nội bộ là gì?
Căn cứ quy định Điều 39 Luật Kế toán 2015 quy định về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ như sau:
Kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ
1. Kiểm soát nội bộ là việc thiết lập và tổ chức thực hiện trong nội bộ đơn vị kế toán các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra.
.....
3. Kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ.
.....
Như vậy, kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu của việc thiết lập và tổ chức thực hiện trong nội bộ đơn vị kế toán các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra.
Kiểm toán nội bộ có nhiệm vụ sau đây:
- Kiểm tra tính phù hợp, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ;
- Kiểm tra và xác nhận chất lượng, độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính của báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị trước khi trình ký duyệt;
- Kiểm tra việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động, quản lý, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính, kế toán, chính sách, nghị quyết, quyết định của lãnh đạo đơn vị kế toán;
- Phát hiện những sơ hở, yếu kém, gian lận trong quản lý, bảo vệ tài sản của đơn vị; đề xuất các giải pháp nhằm cải tiến, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị kế toán.
Phân biệt giữa kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập? (Hình từ Internet)
Kiểm toán độc lập là gì?
Căn cứ quy định khoản 1 Điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán.
.....
Như vậy, kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán.
Phân biệt giữa kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập?
Hiện nay, đi kèm với sự phát triển về kinh tế thì hoạt động kiểm toán đang được sự quan tâm lớn trong xã hội.
Đối với các cơ quan nhà nước thì cần thực hiện kiểm toán để kịp thời phát hiện những sai sót, loại bỏ được những tiêu cực có trong bộ máy. Để cơ quan nhà nước kiểm soát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc kiểm toán các báo cáo tài chính, tránh tình trạng trốn thuế hoặc các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế khác.
Đối với khối doanh nghiệp thì việc thực hiện kiểm toán để các doanh nghiệp có thể nắm được tình hình hoạt động kinh doanh của các nhân doanh nghiệp hoặc các bên tham gia hoạt động kinh doanh nắm bắt được các thông tin cần thiết trong việc hợp tác kinh doanh.
Dưới đây là sự phân biệt giữa kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập:
Nội dung | Kiểm toán nội bộ | Kiểm toán độc lập |
Khái niệm | Là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ (khoản 3 Điều 39 Luật Kế toán 2015) Có thể hiểu là việc thực hiện hoạt động kiểm toán trong nội bộ cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp. | là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán (khoản 1 Điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011) |
Đối tượng kiểm toán | Tập trung vào các hoạt động và quy trình nội bộ của doanh nghiệp. Chủ yếu là các hoạt động quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ được triển khai trong doanh nghiệp, ngoài ra có thể bao gồm các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp nếu được các bên liên quan đồng ý. | Đánh giá tính chính xác và đáng tin cậy của báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Chủ yếu là các báo cáo tài chính của doanh nghiệp. |
Mục đích | Thông qua các hoạt động kiểm tra, đánh giá và tư vấn, kiểm toán nội bộ đưa ra các đảm bảo mang tính độc lập, khách quan và các khuyến nghị về các nội dung sau đây: - Hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị đã được thiết lập và vận hành một cách phù hợp nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các rủi ro của đơn vị. - Các quy trình quản trị và quy trình quản lý rủi ro của đơn vị đảm bảo tính hiệu quả và có hiệu suất cao. - Các mục tiêu hoạt động và các mục tiêu chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ công tác mà đơn vị đạt được. | - Hoạt động kiểm toán độc lập nhằm góp phần công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán và doanh nghiệp, tổ chức khác; - Làm lành mạnh môi trường đầu tư; - Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng; - Phát hiện và ngăn chặn vi phạm pháp luật; - Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. |
Đối tượng tiếp nhận báo cáo kiểm toán | Là các cấp lãnh đạo cấp cao của cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, những người có nhu cầu muốn cải thiện các hoạt động của doanh nghiệp và gia tăng thêm giá trị. | Là những bên liên quan bên ngoài doanh nghiệp, gồm nhà đầu tư, đối tác, ngân hàng, cơ quan quản lý,…. những người có nhu cầu cần có ý kiến bảo đảm của bên thứ ba về báo cáo tài chính của doanh nghiệp, cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu khác. |
Có thể thấy việc phân biệt giữa kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập để xác định đối tượng áp dụng của từng loại kiểm toán cũng như mục đích của việc thực hiện kiểm toán.
Nhìn chung mục đích của kiểm toán nội bộ tập trung vào việc cải thiện kiểm soát nội bộ và hiệu quả hoạt động tổ chức, trong khi kiểm toán độc lập tập trung vào xác định tính chính xác của báo cáo tài chính và tuân thủ các quy định kế toán.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?