Hồ sơ đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý của tổ chức luật sư gồm những gì?
Trợ giúp pháp lý là gì?
Theo Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về trợ giúp pháp lý như sau:
Trợ giúp pháp lý
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Theo đó, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định nhằm góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Việc trợ giúp pháp lý phải tuân theo các nguyên tắc sau:
- Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.
- Kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
- Bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
- Không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý.
Hồ sơ đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý của tổ chức luật sư gồm những gì? (Hình từ Internet)
Điều kiện để tổ chức luật sư tham gia trợ giúp pháp lý là gì?
Theo điểm a khoản 1 Điều 15 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:
Đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý
1. Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tự nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của mình được đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:
a) Tổ chức hành nghề luật sư có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều 14 của Luật này;
...
Tại khoản 2 Điều 14 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:
Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý
...
2. Căn cứ yêu cầu trợ giúp pháp lý và thực tiễn tại địa phương, Sở Tư pháp lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với tổ chức có nguyện vọng và có đủ điều kiện sau đây:
a) Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này;
b) Là tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức tư vấn pháp luật có ít nhất 01 tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức;
c) Có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý;
d) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật.
...
Theo đó, tổ chức luật sư muốn đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý;
- Có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý;
- Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư.
Hồ sơ đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý của tổ chức luật sư gồm những gì?
Theo Điều 19 Thông tư 08/2017/TT-BTP quy định về thủ tục đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý như sau:
Thủ tục đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý
1. Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có đủ điều kiện đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật Trợ giúp pháp lý nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính, fax, hình thức điện tử 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động.
Hồ sơ đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm:
a) Đơn đề nghị tham gia trợ giúp pháp lý theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này (Mẫu TP-TGPL-01);
b) Danh sách luật sư, tư vấn viên pháp luật đủ điều kiện thực hiện trợ giúp pháp lý (Mẫu TP-TGPL-02);
c) Bản sao thẻ luật sư, thẻ tư vấn viên pháp luật.
2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ, Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ, cấp Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này (Mẫu TP-TGPL-03) cho tổ chức đăng ký tham gia đủ điều kiện và thông báo cho Trung tâm để phối hợp thực hiện. Trường hợp từ chối phải thông báo rõ lý do bằng văn bản. Việc thực hiện trợ giúp pháp lý được bắt đầu kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp công bố danh sách tổ chức đăng ký tham gia, người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 10 và khoản 2 Điều 17 của Luật Trợ giúp pháp lý.
Trường hợp thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý phải có văn bản thông báo để Sở Tư pháp xem xét, cập nhật danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương và thông báo về Bộ Tư pháp.
4. Việc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý không phải nộp lệ phí.
Theo đó, tổ chức luật sư đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý cần chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị tham gia trợ giúp pháp lý tải về;
- Danh sách luật sư, tư vấn viên pháp luật đủ điều kiện thực hiện trợ giúp pháp lý tải về;
- Bản sao thẻ luật sư, thẻ tư vấn viên pháp luật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy: Nghiên cứu hợp nhất văn phòng HĐND, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một?
- Từ 2025, ngân hàng không được gửi tin nhắn, email chứa đường link tới khách hàng?
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Ngày Nhân quyền thế giới là ngày mấy? Ngày Nhân quyền thế giới 2024 là thứ mấy?
- Khi đi đến nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện giao thông cần đi như thế nào để bảo đảm đúng quy tắc giao thông?