Hàng hóa kinh doanh không hợp pháp có được khuyến mại với hình thức để khách hàng dùng thử không phải trả tiền?
Hàng hóa kinh doanh hợp pháp có được khuyến mại với hình thức để khách hàng dùng thử không phải trả tiền?
Căn cứ theo Điều 93 Luật Thương mại 2005 quy định về hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại cụ thể như sau:
Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại
1. Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ được thương nhân sử dụng các hình thức khuyến mại để xúc tiến việc bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ đó.
2. Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp.
Ngoài ra tại Điều 8 Nghị định 81/2018/NĐ-CP có quy định về đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền như sau:
Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền
1. Hàng mẫu đưa cho khách hàng, dịch vụ mẫu cung ứng cho khách hàng dùng thử phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp mà thương nhân đang hoặc sẽ bán, cung ứng trên thị trường.
2. Khi nhận hàng mẫu, dịch vụ mẫu, khách hàng không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ thanh toán nào.
3. Thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại theo hình thức đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu phải chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng mẫu, dịch vụ mẫu và phải thông báo cho khách hàng đầy đủ thông tin liên quan đến việc sử dụng hàng mẫu, dịch vụ mẫu.
Như vậy, hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại phải là hàng hóa kinh doanh hợp pháp, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp.
Cho nên, thương nhân khuyến mại theo hình thức đưa hàng mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền thì hàng mẫu này cũng phải là hàng hóa kinh doanh hợp pháp.
Hàng hóa kinh doanh không hợp pháp có được khuyến mại với hình thức để khách hàng dùng thử không phải trả tiền? (Hình từ Internet)
Các hành vi nào bị cấm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bao gồm:
- Lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
- Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh;
- Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;
- Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa đăng ký theo quy định;
- Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử không đúng với thông tin trong hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép;
- Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thực hiện các thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử, đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đăng ký các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử.
Nguyên tắc xác định phạm vi hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như thế nào?
Theo Điều 26 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm b khoản 8 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định về các nguyên tắc hoạt động thương mại điện tử như sau:
Các nguyên tắc hoạt động thương mại điện tử
1. Nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong giao dịch thương mại điện tử
Các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử có quyền tự do thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật để xác lập quyền và nghĩa vụ của từng bên trong giao dịch. Thỏa thuận này là căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch.
2. Nguyên tắc xác định phạm vi hoạt động kinh doanh trong thương mại điện tử
Nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và xúc tiến thương mại trên website thương mại điện tử không nêu cụ thể giới hạn địa lý của những hoạt động này, thì các hoạt động kinh doanh đó được coi là tiến hành trên phạm vi cả nước.
...
Theo đó, nguyên tắc xác định phạm vi hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như là nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và xúc tiến thương mại trên website thương mại điện tử không nêu cụ thể giới hạn địa lý của những hoạt động này, thì các hoạt động kinh doanh đó được coi là tiến hành trên phạm vi cả nước.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chương trình khuyến mại có thể đặt câu hỏi tại đây.