Khoản chi trả lãi tiền vay có được tính vào chi phí hợp lý không?
Chi phí lãi vay là gì?
Chi phí lãi vay là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải thanh toán cho các khoản tiền đi vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chi phí lãi vay bao gồm:
- Lãi vay ngắn hạn: Là khoản chi phí lãi vay phát sinh từ các khoản vay ngắn hạn, có thời hạn vay dưới 1 năm.
- Lãi vay dài hạn: Là khoản chi phí lãi vay phát sinh từ các khoản vay dài hạn, có thời hạn vay từ 1 năm trở lên.
Khoản chi trả lãi tiền vay có được tính vào chi phí hợp lý không? (Hình từ Internet)
Khoản chi trả lãi vay có được tính vào chi phí hợp lý không?
Căn cứ theo Mục 1 Công văn 4619/TCT-CS năm 2023 hướng dẫn về việc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi trả lãi vay như sau:
Về việc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi trả lãi vay
Căn cứ khoản 1 và điểm 2.17, điểm 2.18 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính) quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, trường hợp doanh nghiệp có phát sinh khoản chi trả lãi tiền vay nếu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật, thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định và không thuộc các khoản chi không được trừ theo quy định tại điểm 2.17, điểm 2.18 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Ngoài ra, liên quan đến việc xác định chi phí lãi vay được trừ từ ngày 01/05/2017 (ngày hiệu lực thi hành của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP) đến nay, đề nghị Cục Thuế rà soát quan hệ liên kết và giao dịch liên kết (nếu có) để xác định chi phí lãi vay được trừ phù hợp theo từng thời điểm.
Thông qua quy định trên, khoản chi trả lãi vay được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN nếu như khoản chi này đáp ứng đủ các yêu cầu dưới đây:
- Khoản chi phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi được thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt.
- Không thuộc các khoản chi không được trừ theo quy định Thông tư 78/2014/TT-BTC.
Khoản chi trả lãi vay được đưa vào chi phí hợp lý đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tối đa là bao nhiêu?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP về xác định chi phí để tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết cụ thể như:
Xác định chi phí để tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
....
3. Tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:
a) Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;
b) Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ;
.....
Như vậy, khoản chi trả lãi vay được đưa vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN của doanh nghiệp giao dịch liên kết tối đa là 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.
Đối với phần chi trả lãi vay không được trừ thì được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn kỳ trước mà có phần chi trả lãi vay không được trừ.
*Lưu ý: không áp dụng nội dung về chi trả lãi vay tại quy định này đối với các trường hợp sau:
- Khoản vay của người nộp thuế là Tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010 hoặc tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
- Các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại;
- Các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững).
- Các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác).
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?