Phân biệt thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ? Đồng tiền sử dụng trong giao dịch thẻ là đồng tiền gì?
Phân biệt thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ?
Việc phân biệt thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ được thực hiện như sau:
*Giống nhau:
[1] Thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đều là thẻ ngân hàng.
[2] Do các tổ chức sau đây phát hành thẻ: (theo Điều 9 Thông tư 19/2016/TT-NHNN được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 41/2018/TT-NHNN)
- Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phát hành thẻ khi hoạt động cung ứng dịch vụ thẻ được ghi trong Giấy phép hoặc Giấy phép bổ sung, sửa đổi do Ngân hàng Nhà nước cấp.
- Ngân hàng chính sách phát hành thẻ theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
- Công ty tài chính: chỉ được phát hành thẻ tín dụng sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
[3] Đối tượng sử dụng thẻ: (theo Điều 16 Thông tư 19/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 26/2017/TT-NHNN; khoản 8 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN)
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
[4] Phát hành thẻ được thực hiện thông qua hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ.
[5] Hạn mức thẻ: được thực hiện theo thỏa thuận giữa TCPHT và chủ thẻ.
*Khác nhau:
Nội dung so sánh | Thẻ tín dụng | Thẻ ghi nợ |
Khái niệm | Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. (theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-NHNN) | Thẻ ghi nợ (debit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi số tiền và hạn mức thấu chi (nếu có) trên tài Khoản thanh toán của chủ thẻ mở tại tổ chức phát hành thẻ. (theo khoản 4 Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-NHNN) |
Đối tượng sử dụng thẻ là tổ chức (theo Điều 16 Thông tư 19/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 26/2017/TT-NHNN; khoản 8 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN) | Tổ chức là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam | Tổ chức đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán được sử dụng thẻ. |
Phạm vi sử dụng thẻ (theo khoản 3 Điều 17 Thông tư 19/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 28/2019/TT-NHNN) | - Được sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ. - Nạp, rút tiền mặt theo thỏa thuận giữa chủ thẻ với TCPHT. - Không được sử dụng thẻ tín dụng để chuyển khoản (hoặc ghi có) vào tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước. | Được sử dụng để thực hiện các giao dịch thẻ theo thỏa thuận giữa chủ thẻ với TCPHT |
Cấp tín dụng (theo Điều 15 Thông tư 19/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN; bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 26/2017/TT-NHNN | Chỉ áp dụng đối với thẻ tín dụng | Không có |
Phân biệt thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ? Đồng tiền sử dụng trong giao dịch thẻ là đồng tiền gì? (Hình từ Internet)
Đồng tiền sử dụng trong giao dịch thẻ là đồng tiền gì?
Theo quy định Điều 4 Thông tư 19/2016/TT-NHNN, đồng tiền sử dụng trong giao dịch thẻ là đồng tiền Việt Nam áp dụng đối với các giao dịch phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm:
[1] Giao dịch rút tiền mặt bằng thẻ .
[2] Các giao dịch thẻ khác:
- Đồng tiền giao dịch là đồng Việt Nam. Trường hợp được sử dụng ngoại hối để giao dịch theo quy định pháp luật về quản lý ngoại hối thì đồng tiền thể hiện trong giao dịch là đồng Việt Nam hoặc đồng Việt Nam và ngoại tệ;
- Đồng tiền thanh toán là đồng Việt Nam. Các ĐVCNT chỉ được nhận thanh toán bằng đồng Việt Nam từ TCTTT;
[3] Quy đổi từ ngoại tệ ra đồng Việt Nam, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và ngoại tệ theo tỷ giá do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trường hợp giao dịch ngoài lãnh thổ Việt Nam thì khi thực hiện giao dịch thẻ ngoài lãnh thổ Việt Nam, chủ thẻ phải thực hiện thanh toán cho TCPHT bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Hành vi nào bị cấm trong hoạt động thẻ ngân hàng?
Căn cứ theo Điều 8 Thông tư 19/2016/TT-NHNN bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 26/2017/TT-NHNN; sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 28/2019/TT-NHNN, các hành vi bị cấm trong hoạt động thẻ ngân hàng bao gồm:
- Làm, sử dụng, chuyển nhượng và lưu hành thẻ giả.
- Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để người khác thực hiện các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch thanh toán khống tại ĐVCNT.
- ĐVCNT thu phụ phí hoặc phân biệt giá khi chủ thẻ thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ.
- Lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ; Tiết lộ và cung cấp thông tin thẻ, chủ thẻ và giao dịch thẻ không đúng quy định của pháp luật.
- Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập trái phép, phá hủy chương trình hoặc cơ sở dữ liệu của hệ thống phát hành, thanh toán thẻ, chuyển mạch thẻ, bù trừ điện tử giao dịch thẻ.
- Sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch cho các Mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?