Phân biệt nguyên quán và quê quán? Quê quán có phải là nơi sinh không? Ghi nguyên quán quê quán như thế nào cho đúng?
Phân biệt nguyên quán và quê quán? Quê quán có phải là nơi sinh không?
Hiện nay, việc phân biệt nguyên quán và quê quán được định nghĩa như sau:
Nguyên quán | Quê quán |
Nguyên quán là nguồn gốc, xuất xứ của một người, được dựa vào nhiều yếu tố khác nhau như: Nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội (nếu khai sinh theo họ cha) hoặc ông, bà ngoại (nếu khai sinh theo họ mẹ). | Quê quán của một người được xác định theo nơi cha sinh (khai sinh theo họ cha) hoặc nơi mẹ sinh (nếu khai sinh theo họ mẹ). |
Thông qua giải thích trên, nguyên quán và quê quán đều nói về nguồn gốc, xuất xứ của một người, tuy nhiên việc xác định nguyên quán hay quê quán sẽ dựa trên các căn cứ khác nhau.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định nơi sinh của một người dùng để đăng ký khai sinh được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh. Trường hợp quê quán và nơi sinh trong Giấy chứng sinh cùng một nơi thì trong trường hợp này quê quán chính là nơi sinh.
Phân biệt nguyên quán và quê quán? Quê quán có phải là nơi sinh không? Ghi nguyên quán quê quán như thế nào cho đúng? (Hình từ Internet)
Ghi nguyên quán và quê quán như thế nào cho đúng? Quê quán có phải là nơi sinh không?
Căn cứ theo Thông tư 36/2014/TT-BCA (đã hết hiệu lực) quy định hướng dẫn ghi nguyên quán tại các biểu mẫu về trong đăng ký, quản lý cư trú như sau:
[1] Ghi nguyên quán theo giấy khai sinh. Phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại.
Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại.
Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.
[2] Theo đó, yếu tố nguyên quán được sử dụng trong các biểu mẫu như: Sổ hộ khẩu; Giấy chuyển khẩu; Bản khai nhân khẩu;.... Tuy nhiên theo quy định mới tại Thông tư 56/2021/TT-BCA thay thế cho Thông tư 36/2014/TT-BCA đã không còn sử dụng từ nguyên quán đối với các giấy tờ, biểu mẫu trong quản lý cư trú. Thay vào đó sẽ sử dụng nơi thường trú và nơi tạm trú.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 có quy đinh quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh. Có nghĩa rằng việc ghi quê quán sẽ được ghi theo thỏa thuận của cha mẹ, hoặc đơn giản nhất được ghi theo như tờ khai đăng ký khai sinh.
Xác định quê quán đối với trẻ em bị bỏ rơi như thế nào?
Theo quy định Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi như sau:
Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi
.....
3. Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.
Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.
.....
Theo đó, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo.
Sau đó, Ủy ban nhân dân có trách nhiệm niêm yết tại trụ sở trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi. Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha mẹ của đứa trẻ thì Ủy ban nhân dân thông báo cho cá nhân, tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng đăng ký khai sinh. Việc xác định quê quán trong giấy khai sinh đối với trẻ em được xác định theo nơi sinh. Nơi sinh là nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo thành tích cá nhân của Phó hiệu trưởng mới nhất năm 2024?
- Hướng dẫn xóa thí sinh khỏi danh sách Vòng 6 Trạng Nguyên Tiếng Việt tại quantri.trangnguyen.edu.vn?
- Tháng 10 âm lịch 2024 kết thúc vào ngày nào? Tháng 10 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 10 âm lịch năm 2024 có sự kiện gì?
- Cách viết trách nhiệm của cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể trong bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2024?
- Giám đốc BHXH cấp tỉnh có quyền xử phạt hành vi cho mượn thẻ bảo hiểm y tế không?