Cách viết đơn ly hôn thuận tình đơn giản, chuẩn xác nhất năm 2024?
Cách viết đơn ly hôn thuận tình đơn giản, chuẩn xác nhất năm 2024?
Mẫu đơn xin ly hôn thuận tình là Mẫu số 01-VDS ban hành kèm theo Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP
Xem chi tiết và tải mẫu đơn tại đây: tại đây.
Theo đó, Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP có hướng dẫn cách viết đơn ly hôn thuận tình như sau:
Mục (1): Ghi loại việc dân sự là công nhận thuận tình ly hôn,..
Mục (2) và (5): Ghi rõ tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình là Toà án nhân dân cấp quận/huyện nơi người vợ hoặc người chồng cư trú, làm việc theo thoả thuận của vợ chồng.
- Nếu vợ hoặc chồng ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì nộp đơn tại TAND cấp tỉnh nơi vợ hoặc chồng cư trú, làm việc.
Cụ thể: Nếu là Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào. Ví dụ: Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh;
Nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) đó. Ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.
Mục (3): Ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh và số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác của cá nhân yêu cầu.
Mục (4): Ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của người yêu cầu ly hôn thuận tình tại thời điểm làm đơn yêu cầu.
Ví dụ: 401 Cách mạng tháng 8, Phường 13, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Mục (6): Ghi cụ thể những nội dung mà người yêu cầu yêu cầu Tòa án giải quyết như: quan hệ hôn nhân, tài sản chung, con chung, khoản nợ chung.
Mục (7): Ghi rõ lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó.
Mục (8): Ghi rõ họ tên, địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của những người mà người yêu cầu nhận thấy có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó.
Mục (9): Ghi những thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình.
Mục (10): Ghi rõ tên các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu, là bản sao hay bản chính, theo thứ tự 1, 2, 3,…
Ví dụ:
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Bản chính);
- CMND/CCCD/Hộ chiếu;
- Sổ hộ khẩu của vợ chồng;
- Bản sao công chứng giấy khai sinh của con nếu có con chung;
- Giấy tờ liên quan chứng minh tài sản khi chia tài sản chung như Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bản sao Giấy đăng ký xe của xe ô tô, xe máy,...
Nếu vợ, chồng có chia nợ chung thì phải có giấy tờ liên quan như Giấy vay tiền; hợp đồng vay tiền; hợp đồng thế chấp, cầm cố...
Mục (11): Ghi địa điểm, thời gian làm đơn yêu cầu
Ví dụ: TP.HCM, ngày 07 tháng 9 năm 2024
Mục (12): Phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu ly hôn.
Cách viết đơn ly hôn thuận tình đơn giản, chuẩn xác nhất năm 2023? (Hình từ Internet)
Tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn không chia được bằng hiện vật thì chia như thế nào?
Tại khoản 3 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:
Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
...
Như vậy, khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị của tài sản đó.
Nếu bên nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
Trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình thì tài sản được chia như thế nào khi ly hôn?
Tại Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định khi ly hôn nếu vợ chồng sống chung với gia đình thì tài sản được chia như sau:
- Nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình.
Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Nếu vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người có giấy phép lái xe hạng A2 được điều khiển loại xe nào từ 01/01/2025?
- Địa chỉ Học viện Tòa án ở đâu? Học viện Tòa án có mã trường là gì?
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Khi nào chứng thư thẩm định giá hết hạn? Chứng thư thẩm định giá không bắt buộc cập nhật vào CSDL quốc gia trong trường hợp nào?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?