Quy trình bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thực hiện như thế nào?
Việc bầu cử trưởng thôn và tổ trưởng tổ dân phố sẽ do ai quyết định?
Căn cứ theo Điều 15 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định về những nội dung Nhân dân bàn và quyết định như sau:
Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định
1. Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức.
2. Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác.
3. Nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
4. Bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
5. Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
6. Các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.
Theo đó, nhân dân trong cộng đồng dân cư sẽ bàn và quyết định việc bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
Quy trình bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Quy trình bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Nghị định 59/2023/NĐ-CP thì quy trình bầu cử trưởng thôn sẽ thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị bầu cử: (được quy định tại Điều 6 Nghị định 59/2023/NĐ-CP)
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định tổ chức bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và tổ chức triển khai kế hoạch chậm nhất 20 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định thành lập Tổ bầu cử chậm nhất 10 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
- Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố tổ chức cuộc họp Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố dự kiến và quyết định danh sách người ứng cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố (ít nhát là 01 người).
Nội dung cuộc họp phải được lập thành biên bản và gửi tới Ủy ban nhân dân cấp xã chậm nhất 15 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư.
Bước 2: Gửi thông báo về cuộc họp cộng đồng dân cư cho thành phần tham dự tối thiểu là 02 ngày trước ngày diễn ra cuộc họp
Bước 3: Tiến hành bầu cử (được quy định tại Điều 7 Nghị định 59/2023/NĐ-CP)
- Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố triệu tập và chủ trì tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để Nhân dân bàn và quyết định bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố;
- Tổ bầu cử triệu tập và chủ trì cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
- Thảo luận và biểu quyết (bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín) về việc bầu cử trưởng thôn, tổ trường tổ dân phố;
- Kiểm tra kết quả biểu quyết;
- Người trúng cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố ra mắt cuộc họp.
- Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, người chủ trì cuộc họp có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ cuộc họp, chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp, quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua phải được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã
Bước 4: Công nhận kết quả bầu cử (được quy định tại Điều 8 Nghị định 59/2023/NĐ-CP)
Trong thời hạn 05 làm việc ngày kể từ ngày nhận được quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định công nhận người trúng cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố hoặc quyết định bầu lại; trường hợp không ban hành quyết định công nhận hoặc quyết định bầu lại thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường thôn và Tổ trưởng tổ dân phố cần đáp ứng những tiêu chuẩn gì?
Căn cứ theo Điều 11 Thông tư 04/2012/TT-BNV quy định về tiêu chuẩn Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố như sau:
Tiêu chuẩn Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố
Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố phải là người có hộ khẩu thường trú và cư trú thường xuyên ở thôn, tổ dân phố; đủ 21 tuổi trở lên, có sức khỏe, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm trong công tác; có phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức tốt, được nhân dân tín nhiệm; bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; có kiến thức văn hóa, năng lực, kinh nghiệm và phương pháp vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các công việc tự quản của cộng đồng dân cư và công việc cấp trên giao.
Theo đó, trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Có hộ khẩu thường trú và cư trú thường xuyên ở thôn, tổ dân phố;
- Đủ 21 tuổi trở lên, có sức khỏe, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm trong công tác;
- Có phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức tốt, được nhân dân tín nhiệm;
- Bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương;
- Có kiến thức văn hóa, năng lực, kinh nghiệm và phương pháp vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các công việc tự quản của cộng đồng dân cư và công việc cấp trên giao.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Trưởng thôn có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?