Tàu cá Việt Nam không treo quốc kỳ bị phạt bao nhiêu?

Cho tôi hỏi mức xử phạt đối với hành vi không treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên tàu cá là bao nhiêu? Câu hỏi từ anh Lam (Ninh Thuận)

Tàu cá Việt Nam có bắt buộc phải treo quốc kỳ Việt Nam không?

Căn cứ khoản 3 Điều 43 Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển Việt Nam:

Quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển Việt Nam
...
3. Quy định về treo cờ:
a) Tàu cá Việt Nam phải treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết tắt là Quốc kỳ) ở đỉnh cột phía lái; đối với tàu không có cột phía lái thì Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột chính;
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê tàu cá của nước ngoài phải thực hiện treo cờ của Việt Nam theo quy định tại điểm a Khoản này.

Như vậy, tàu cá Việt Nam bắt buộc phải treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở đỉnh cột phía lái; đối với tàu không có cột phía lái thì Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột chính.

Trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê tàu cá của nước ngoài phải thực hiện treo cờ của Việt Nam.

Mức xử phạt đối với hành vi không treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên tàu cá là bao nhiêu?

Tàu cá Việt Nam không treo quốc kỳ bị phạt bao nhiêu? (Hình từ Internet)

Tàu cá Việt Nam không treo quốc kỳ bị phạt bao nhiêu?

Căn cứ Điều 7 Nghị định 162/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 23/2017/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về treo Quốc kỳ Việt Nam và treo cờ quốc tịch:

Vi phạm quy định về treo Quốc kỳ Việt Nam và treo cờ quốc tịch
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không treo Quốc kỳ Việt Nam hoặc treo Quốc kỳ Việt Nam không đúng quy định của tàu thuyền Việt Nam.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây:
a) Tàu thuyền nước ngoài không treo cờ quốc tịch, Quốc kỳ Việt Nam hoặc treo không đúng quy định khi hoạt động trong nội thủy Việt Nam;
b) Tàu ngầm, phương tiện đi ngầm của nước ngoài không treo cờ quốc tịch khi hoạt động trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được phép của Chính phủ Việt Nam hoặc theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ quốc tịch
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc treo Quốc kỳ Việt Nam hoặc cờ quốc tịch theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Như vậy, nếu tàu cá Việt Nam không treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

Hình thức phạt bổ sung: buộc phải treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định.

Lưu ý: Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Việc treo cờ đối với tàu thuyền và nghi lễ đón lãnh đạo cấp cao thăm tàu được quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 61 Nghị định 58/2017/NĐ-CP quy định việc treo cờ đối với tàu thuyền và nghi lễ đón lãnh đạo cấp cao thăm tàu như sau:

- Việc treo cờ của tàu thuyền hoạt động tại cảng biển được thực hiện như sau:

+ Tàu thuyền Việt Nam phải treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết tắt là Quốc kỳ) ở đỉnh cột phía lái; đối với tàu không có cột phía lái thì Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột chính;

+ Tàu thuyền nước ngoài treo Quốc kỳ trên đỉnh cột cao nhất của tàu thuyền;

+ Hàng ngày, Quốc kỳ trên tàu thuyền được kéo lên vào lúc mặt trời mọc và hạ xuống lúc mặt trời lặn.

+ Về mùa đông, những ngày có sương mù, Quốc kỳ được kéo lên vào thời điểm có thể nhìn thấy được.

+ Quốc kỳ được kéo lên sớm hơn hoặc hạ xuống muộn hơn thời gian quy định khi tàu thuyền vào, rời cảng, khi gặp tàu quân sự hoặc khi hai tàu Việt Nam nhìn thấy nhau;

+ Vào ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc khi có người đứng đầu Đảng, Nhà nước đến thăm cảng, tất cả tàu thuyền đang neo, đậu trong khu vực cảng biển đều phải treo cờ lễ theo chỉ dẫn của Giám đốc Cảng vụ hàng hải;

+ Tàu thuyền mang cờ quốc tịch nước ngoài khi muốn treo cờ lễ, cờ tang, hoặc kéo còi trong các dịp nghi lễ của quốc gia tàu mang cờ phải thông báo trước và thực hiện theo chỉ dẫn của Cảng vụ hàng hải;

+ Giám đốc Cảng vụ hàng hải có thể miễn trách nhiệm treo Quốc kỳ cho một số phương tiện thủy thô sơ khi hoạt động trong vùng nước cảng biển.

- Quy định treo cờ trên tàu biển Việt Nam:

+ Trong các ngày lễ lớn, treo một dây cờ hiệu hàng hải quốc tế từ cột mũi đến cột lái của tàu qua xà ngang các cột trước và cột chính; Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột trước, cột chính và cột lái, cột mũi treo cờ hiệu của chủ tàu (nếu có).

+ Việc trang trí cờ hiệu không được gây ảnh hưởng đến hoạt động bốc, dỡ hàng hóa của tàu.

+ Trong các ngày lễ khác, treo một dây cờ hiệu hàng hải quốc tế từ cột mũi đến cột trước, một dây thứ hai từ cột chính đến cột lái; Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột trước, cột chính và cột lái.

+ Nghiêm cấm việc sử dụng Quốc kỳ Việt Nam và quốc kỳ nước ngoài, quân kỳ, cờ chức vụ và cờ chữ thập đỏ để trang hoàng trong dây cờ lễ của tàu thuyền;

+ Khi có Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến thăm tàu, ngoài Quốc kỳ treo ở đỉnh cột phía lái còn phải treo thêm một Quốc kỳ ở đỉnh cột chính và chỉ được phép hạ xuống khi các vị khách nêu trên đã rời khỏi tàu;

+ Trong những ngày lễ lớn hay những ngày có chỉ thị đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, Quốc kỳ phải được kéo lên theo nghi lễ chào cờ.

+ Khi tàu hành trình trên biển và trong điều kiện thời tiết cho phép, ngoài Quốc kỳ treo ở đỉnh cột phía lái còn phải treo thêm Quốc kỳ ở đỉnh cột chính;

+ Khi tàu neo đậu ở cảng nước ngoài, Quốc kỳ Việt Nam phải được kéo lên trước và hạ xuống sau quốc kỳ của nước có cảng mà tàu đang neo đậu;

+ Khi hành trình trong lãnh hải hoặc vào, rời hay neo, đậu trong vùng nước cảng biển nước ngoài, tàu phải treo Quốc kỳ nước đó ở cột chính của tàu;

+ Quốc kỳ phải được treo ở trạng thái mở. Trong ngày quốc tang, Quốc kỳ phải được treo theo nghi thức tang lễ;

+ Việc kéo và hạ Quốc kỳ do thủy thủ trực ca thực hiện theo lệnh của sỹ quan trực ca boong.

- Khi có lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến thăm tàu:

+ Trường hợp có thông báo trước, thuyền trưởng phải lệnh cho tất cả thuyền viên mặc trang phục chỉnh tề theo nghi thức ngày lễ, đứng xếp hàng dọc theo hành lang đầu cầu thang, thuyền trưởng phải có mặt tại chân cầu thang để đón khách lên tàu;

+ Trường hợp không được thông báo trước, sỹ quan trực ca boong phải đón chào các vị khách tại chân cầu thang, đồng thời báo cho thuyền trưởng đến tiếp khách.

Trân trọng!

Tàu cá Việt Nam
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Tàu cá Việt Nam
Hỏi đáp Pháp luật
Tàu cá Việt Nam không treo quốc kỳ bị phạt bao nhiêu?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Tàu cá Việt Nam
Phan Vũ Hiền Mai
959 lượt xem
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào