08 trường hợp khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến?
08 trường hợp khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến?
Tại Điều 6 Thông tư 30/2020/TT-BYT có quy định về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến như sau:
(1) Người tham gia bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh đúng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.
(2) Người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện khác trong cùng địa bàn tỉnh.
Trường hợp trẻ em chưa có thẻ bảo hiểm y tế do chưa làm thủ tục khai sinh được sử dụng giấy chứng sinh đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên.
(3) Người tham gia bảo hiểm y tế trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào trên phạm vi toàn quốc.
Bác sĩ hoặc y sỹ đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu đối với người bệnh, ghi vào hồ sơ bệnh án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
(4) Người tham gia bảo hiểm y tế được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định, bao gồm:
- Được chuyển tuyến theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT. Hồ sơ chuyển tuyến gồm giấy chuyển tuyến theo Mẫu số 6 ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP và các giấy tờ khác (nếu có);
- Được chuyển tuyến theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, bao gồm:
+ Cấp cứu; đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh đang điều trị nội trú hoặc điều trị ngoại trú;
- Được chuyển tuyến theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 04/2016/TT-BYT.
(5) Người tham gia bảo hiểm y tế có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú và khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm lưu bản chụp giấy tờ quy định tại điểm này trong hồ sơ bệnh án điều trị của người bệnh đó.
(6) Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến.
(7) Người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.
(8) Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.
08 trường hợp khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến? (Hình từ Internet)
Có bao nhiêu hình thức chuyển tuyến người bệnh?
Tại Điều 4 Thông tư 14/2014/TT-BYT có quy định các hình thức chuyển tuyến như sau:
Các hình thức chuyển tuyến
1. Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên:
a) Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự: tuyến 4 chuyển lên tuyến 3, tuyến 3 chuyển lên tuyến 2, tuyến 2 chuyển lên tuyến 1;
b) Chuyển người bệnh không theo trình tự quy định tại Điểm a khoản này nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
2. Chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới.
3. Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cùng tuyến.
Như vậy, có 03 hình thức chuyển tuyến bao gồm:
- Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên;
- Chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới;
- Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cùng tuyến.
Ai có thẩm quyền ký giấy chuyển tuyến đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước?
Tại Điều 6 Thông tư 14/2014/TT-BYT có quy định thẩm quyền ký giấy chuyển tuyến như sau:
Thẩm quyền ký giấy chuyển tuyến
1. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước: Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người được người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ủy quyền ký giấy chuyển tuyến.
2. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân: Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người được người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ủy quyền ký giấy chuyển tuyến.
Như vậy, người có thẩm quyền ký giấy chuyển tuyến đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước là người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người được người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ủy quyền ký giấy chuyển tuyến.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch âm 2024 - Lịch vạn niên 2024: Chi tiết? Tết Âm lịch 2025 vào ngày nào?
- Thời hạn ra quyết định về việc hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm là bao lâu?
- Căn cứ lập dự toán các khoản chi đối với việc lựa chọn nhà đầu tư gồm những nội dung như thế nào?
- Mẫu hồ sơ mời thầu dịch vụ phi tư vấn qua mạng 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ mới nhất năm 2025 theo Thông tư 22?
- Chi phí đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đối với bên mời quan tâm trực tiếp thực hiện được tính như thế nào?